Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân: Ấn tượng với nhiều sản phẩm KH&CN.
Ngày 20/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác Chính phủ đã đến khảo sát tình hình hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tại 4 đơn vị ở Hà Nội.
Bốn công ty được Phó thủ tướng đến
thăm là Công ty TNHH một thành viên cơ khí Đông Anh, Công ty dữ liệu toàn cầu
(Khu công nghiệp Nam Thăng Long), Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long, Công ty
cổ phần Nhựa Hà Nội. Trong chuyến khảo sát, Phó Thủ tướng đã đánh giá cao nhiều
sản phẩm KH&CN của các doanh nghiệp.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên
cơ khí Đông Anh, Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long, Công ty cổ phần Nhựa Hà
Nội đều cho rằng, KH&CN là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp này có
những bước phát triển đột phá và bền vững.
Giám đốc công ty TNHH một thành viên
cơ khí Đông Anh cho biết, doanh nghiệp đã dành từ 8 – 9 tỷ đồng mỗi năm cho
việc hỗ trợ sáng kiến, đổi mới công nghệ. Nhiều đề tài nghiên cứu được thực
hiện thành công và ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả lớn cho công ty như
chế tạo bi nghiền chất lượng cao cho ngành xi măng, công nghệ sản xuất các loại
hàm nghiền thép hợp kim, sản xuất xích trao đổi nhiệt cho ngành xi măng thay
thế nhập ngoại,… Song song với việc thực hiện các đề tài nghiên cứu công nghệ
sản xuất sản phẩm mới, công ty đã chú trọng triển khai các dự án khoa học nhằm
nâng cao năng lực công nghệ và đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí cho việc triển
khai sản xuất sản phẩm mới như dự án tự động hóa điều khiển các lò luyện nhiệt,
sản xuất thử nghiệm khuôn đùn thép nhôm,… Nhờ đó, công ty đã làm chủ được nhiều
công nghệ, giúp giảm chi phí nhập khẩu thiết bị và công nghệ.
Cũng nhờ chú trọng định hướng đầu tư
vào KH&CN từ rất sớm, Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long đã có những bước
phát triển đột phá trong ngành cơ kim khí (công ty chuyên sản xuất các sản phẩm
kim khí gia dụng, phụ tùng ô tô, xe máy, khuôn mẫu và thiết bị chuyên dụng).
Hiện công ty đã có 1 nhà máy chuyên áp dụng công nghệ điều khiển số (CNC) để
tạo nên các bộ khuôn giá, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho quá trình tạo ra các
nhóm sản phẩm: xe máy, xuất khẩu và nội địa. Lãnh đạo công ty cho biết, doanh
thu của công ty đã tăng từ 436 tỷ đồng năm 2006 lên 1.000 tỷ đồng năm 2010.
Hàng năm, công ty đầu tư cho KH&CN trung bình khoảng từ 5 – 10% doanh thu.
Hiện nay, công ty có khoảng 300 loại sản phẩm và mỗi năm có thể sản xuất trên
25 triệu đơn vị sản phẩm.
Một số kết quả nghiên cứu của Công ty
Nhựa Hà Nội được ứng dụng vào sản xuất và cũng mang lại hiệu quả kinh tế lớn
như nghiên cứu chế tạo các thiết bị nhựa dùng trong công nghiệp ô tô với công
nghệ tạo vân hoa trên bề mặt cong phức tạp, công nghệ CAD/CAM, công nghệ chế
tạo khuôn để sản xuất các chi tiết nhựa ô tô, xe máy và thiết bị lọc nước,… Các
sản phẩm của công ty như phụ tùng ô tô, xe máy, linh kiện điện – điện tử, viễn
thông và khuôn mẫu phục vụ ngành nhựa đang được cung cấp cho nhiều công ty lớn
như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, VMEP, LGE Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật
Bản tại Việt Nam và xuất khẩu cho các tập đoàn Nhật Bản như TOSTEM, HITACHI
HOUSETEC, SHODEN,…
Còn với Công ty Cổ phần Dịch vụ Số
liệu Toàn cầu GDS (Khu công nghiệp Nam Thăng Long) được thành lập bởi tập đoàn
VNPT và Công ty NTT Communications của Nhật Bản, đây là một công trình kinh tế
- kỹ thuật có ý nghĩa với hệ thống đường truyền kết nối thông suốt, có độ ổn
định cao với nhiều nhà cung cấp đường truyền, kết nối truyền dữ liệu và kết nối
Internet trong nước và quốc tế GDS. Công ty có hệ thống hạ tầng công nghệ thông
tin đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các yêu cầu về công nghệ khai thác, quản lý
chất lượng của Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ chính như
cho thuê chỗ đặt máy chủ cùng với dịch vụ kết nối, tích hợp hệ thống, di trú dữ
liệu; cho thuê máy chủ và quản lý ứng dụng; dịch vụ Internet quốc tế tốc độ
cao,…
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện
Nhân đã biểu dương những nỗ lực của các công ty trong việc mạnh dạn đầu tư áp
dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Bên cạnh đó, đã xây dựng được một đội
ngũ nhân lực trình độ cao đáp ứng được nhu cầu thực tế. Với mỗi doanh nghiệp,
Phó Thủ tướng đều đưa ra các gợi ý cho chiến lược phát triển sản phẩm riêng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp cần xác định rõ đối tác chiến lược
về KH&CN và đưa ra chiến lược phát triển lâu dài hơn nữa.
Với Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Thủ
tướng đề nghị Bộ cần tổ chức buổi tọa đàm, mời các doanh nghiệp hoạt động trong
lĩnh vực cơ khí tham gia, bàn các giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng
dụng KH&CN, khó khăn vướng mắc và các chính sách hỗ trợ,… trước khi diễn ra
hội nghị đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN sắp tới.
Truyền thông Khoa học Công nghệ (nthieu)