Nghị định 70: Rõ ràng, rành mạch, và tạo điều kiện mở cho nhà khoa học
“Các doanh nghiệp có thể thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng 30% nguồn kinh phí của nhà nước, sau khi kết thúc nhiệm vụ không cần bồi hoàn; trường hợp sử dụng trên 30% nguồn kinh phí của Nhà nước thì ưu tiên cho doanh nghiệp mua để có thể sở hữu, nếu doanh nghiệp không muốn mua thì vẫn được giao cho quyền sử dụng.”
Ảnh: nhadautu.vn
Như vậy, “Nghị định 70 vừa rõ ràng, vừa minh bạch trong quản lý tài sản và theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển”, đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhận định về Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.
Quản lý tài sản từ các nhiệm vụ KH&CN một cách toàn diện
Nghị định 70 được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý để có thể quản lý một cách toàn diện các tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm hai dạng: tài sản vô hình, thường là kết quả từ nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN; tài sản hữu hình, thường là các loại máy móc, thiết bị để thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Theo ông Lê Xuân Định - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ KH&CN, lâu nay “chúng ta chưa bao giờ đặt vào vị thế phải xem xét quyền sở hữu đối với các kết quả nghiên cứu hoặc các trang thiết bị một cách rõ ràng, rành mạch” bởi thực tế chỉ đơn giản là tiền và tài sản của nhà nước được các cơ quan quản lý nhà nước giao cho các đơn vị cũng của nhà nước (các viện nghiên cứu, trường đại học) thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Tuy nhiên, mô hình quản lý này chỉ phù hợp với quá khứ.
Ngày nay với sự dịch chuyển chính sách lấy doanh nghiệp làm trung tâm thì rõ ràng doanh nghiệp trở thành đối tượng quan trọng trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, và là một trong những bên có thể được nhận các nguồn lực của nhà nước đầu tư cho lĩnh vực KH&CN.
Nghị định 70 được ban hành đã đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng trong việc xử lý đối với tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng nguồn ngân sách nhà nước dưới hai hình thức: Nhà nước cấp hoàn toàn kinh phí và nhà nước hỗ trợ, tức là nhà nước bỏ ra một phần tiền và doanh nghiệp bỏ ra một phần tiền.
“Xu thế hiện nay trong cơ cấu đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo là hướng tới mô hình tiên tiến trên thế giới, tức nhà nước bỏ ra 7 phần, doanh nghiệp tư nhân bỏ ra 3 phần. Vì vậy, việc phân chia quyền sở hữu tài sản phải rõ ràng.” - ông Định nói.
Tạo điều kiện rộng rãi nhất để nhà khoa học khai thác kết quả nghiên cứu
Việc phân chia về sở hữu rõ ràng là điều kiện cần thiết để khuyến khích khai thác, phát huy, và thương mại các kết quả nghiên cứu, qua đó cũng là tiền đề quan trọng cho tiến trình tự chủ hóa về tài chính đối với nhiều tổ chức KH&CN. Vì vậy, “Nghị định 70 có sự quan tâm rất chặt chẽ của chính phủ đối với Bộ Tài chính và Bộ KH&CN”, ông Định chia sẻ, và cho biết quá trình xây dựng Nghị định được thực hiện hết sức cẩn trọng, bởi các cơ quan quản lý và xây dựng hành lang pháp lý nhà nước thực sự chưa có “kinh nghiệm dày dạn” đối với “tài sản vô hình”.
“Đây là lần đầu tiên ở một nghị định của Chính phủ đưa ra một quy định rất rõ ràng rằng đối với các nhiệm vụ mà nhà nước bỏ ra dưới 30% kinh phí, thì tài sản [hình thành từ nhiệm vụ] đó được chuyển giao không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì cho dù tổ chức chủ trì là doanh nghiệp, tổ chức KHCN hay nhà nghiên cứu. Như vậy tổ chức chủ trì đó hoàn toàn có thể đem kết quả nghiên cứu để chuyển giao, thương mại hóa phát huy một cách hết sức chủ động. Chưa bao giờ có một điều kiện mở một cách rõ ràng, rành mạch như vậy trong hệ thống quản lý tài sản nhà nước”, ông Lê Xuân Định nhận định.
Đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì sẽ được xử lý theo hình thức ghi tăng tài sản vào giá trị tài sản của đơn vị đó.
Còn đối với các trường hợp khác (doanh nghiệp không có 100% vốn nhà nước và cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN) thì hoàn toàn có quyền mua lại để có quyền sở hữu tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sau khi nhiệm vụ hoàn thành.
Trong trường hợp, đơn vị chủ trì sau khi kết thúc nhiệm vụ KH&CN, không muốn mua nhưng vẫn muốn sử dụng trang thiết bị và vẫn tiếp tục theo hướng nghiên cứu, sử dụng trang thiết bị đó để phát triển thương mại hóa sản xuất của nhiệm vụ KH&CN đã được giao, thì sau khi được hội đồng xem xét và đồng ý, tài sản đó sẽ được giao quyền sử dụng cho tổ chức chủ trì.
Ông Lê Xuân Định cho biết, sau khi Nghị định 70 có hiệu lực, khá nhiều đơn vị đang làm đơn đề nghị Bộ KH&CN cho mua lại tài sản được hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có nguồn vốn của nhà nước để thương mại hóa. Như vậy, nghị định này ra đời đã giúp đưa một cách nhanh nhất những tiến bộ khoa học vào trong cuộc sống, một mặt giúp quản lý chặt chẽ tài sản nhà nước, đồng thời cho phép “phát huy hơn nữa sự sáng tạo của các nhà khoa học”.
www.khoahocphattrien.vn (ntmoanh)