Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả
Năng lượng là bài toán quan trọng và phức tạp mà mọi quốc gia đều phải đối mặt, điều này càng khó khăn hơn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Sự phát triển của các công nghệ năng lượng mới đang đặt Việt Nam trước nhiều thách thức và thời cơ để hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Toàn cảnh Diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho biết như trên tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2018 diễn ra sáng nay 31/7/2018, tại Hà Nội do Bộ KH&CN tổ chức.
Đa dạng hóa nguồn năng lượng mới
Diễn đàn là hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển bền vững ngành năng lượng, góp phần thực hiện các chiến lược quốc gia về phát triển KH&CN và năng lượng.
Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, đại diện các Bộ, Ban, ngành, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cùng đại biểu đến từ các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trên cả nước.
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao để đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã khai thác nguồn thủy điện gần như tối đa, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử tạm dừng nên chúng ta đã và đang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Do đó, cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng mới, tái tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Song song với các chính sách và giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống như than, thủy điện,.. Đảng và Chính phủ đã và đang thiết lập khung chính sách nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp và hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Có thể kể đến một số chính sách nổi bật như: Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam 2020, tầm nhìn đến 2050, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030; Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam....
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã hợp tác, phối hợp với các cơ quan có liên quan nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển giao công nghệ, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ. Đối với ngành năng lượng, trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ, năng lượng là bài toán quan trọng và phức tạp mà mọi quốc gia đều phải đối mặt, điều này càng khó khăn hơn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Sự phát triển của các công nghệ năng lượng mới đang đặt Việt Nam trước nhiều thách thức và thời cơ để hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
“Một trong các giải pháp quan trọng để tận dụng được thời cơ này là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời làm chủ các công nghệ năng lượng mới, bền vững như công nghệ điện gió và điện mặt trời. Điều này hoàn toàn khả thi với sự vào cuộc đồng bộ của các nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhà khoa học, cùng với đó là sự hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển,... và các hiệp hội năng lượng quốc tế”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, Viện trường đã trình bày báo cáo tham luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về định hướng phát triển công nghệ trong ngành năng lượng tại Việt Nam. Nội dung báo cáo tham luận gồm: Kết quả 10 năm thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; xu hướng phát triển công nghệ năng lượng trên thế giới và cơ hội cho Việt Nam; vai trò của công nghệ trong phát triển ngành công nghiệp than sạch – Cơ hội và thách thức; phát triển công nghệ chiếu sáng thông minh tại Việt Nam; Tổng quan về năng lượng mặt trời trên thế giới và cơ hội của Việt Nam; Để Việt Nam trở thành công xưởng chế tạo trong ngành công nghiệp năng lượng – Vai trò của KH&CN.
Phát triển đồng bộ KH&CN trong lĩnh vực năng lượng
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược, nhìn chung ngành năng lượng Việt Nam đã có những kết quả tích cực theo các định hướng chiến lược đề ra và đạt được một số mục tiêu cụ thể. Với những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội như tăng trưởng nhu cầu năng lượng và điện nông thôn, những mục tiêu Chiến lược đã có thể đạt được. Đối với những vấn đề liên quan đến phát triển hệ thống năng lượng như dự trữ chiến lược dầu, năng lực lọc dầu, điện hạt nhân và liên kết hệ thống năng lượng, các mục tiêu chưa đạt được hoặc đã không còn phù hợp.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, có một số nguyên nhân dẫn đến việc không đạt được các mục tiêu Chiến lược đề ra trong đó có những biến động lớn toàn cầu trong thập kỷ qua như: suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 2008-2009 và sự biến động mạnh của giá nhiên liệu trên thế giới. Những yếu tố này khiến tính chính xác của các kết quả dự báo bị ảnh hưởng mạnh cũng như ảnh hưởng đến quyết định đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng trong giai đoạn vừa qua.
Nhấn mạnh về vai trò của KH&CN trong việc đưa Việt Nam trở thành công xưởng chế tạo trong ngành công nghiệp năng lượng, chuyên gia Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định, trong những năm qua, hoạt động KH&CN của ngành Điện đã đạt được nhiều thành tựu, nhiều nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nhiều công trình điện được đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, trình độ KH&CN ngành Điện tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực. Ví dụ như: Nhiệt điện sử dụng công nghệ tiên tiến hiệu suất cao, công suất tổ máy nhiệt điện than 600-660MW, hiệu suất khoảng 40%. Công nghệ đập bê tông đầm lăn là công nghệ tiên tiến đã được sử dụng tại các nhà máy thủy điện tại Việt Nam; Hệ thống truyền tải không ngừng được mở rộng với nhiều đường dây và TBA có điện áp đến 500 kV; các TBA có công nghệ cách điện bằng khí (GIS). Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa vào vận hành hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và 3 Trung tâm Điều độ tại 3 miền; đảm bảo Hệ thống điện vận hành an toàn, hiệu quả và tin cậy.
Chuyên gia Nguyễn Văn Vy đã đưa ra giải pháp đối với Việt Nam đó là cần nghiên cứu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các dây chuyền thiết bị đồng bộ của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện...; nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ nhằm làm chủ trong chế tạo các thiết bị năng lượng. Cùng với đó là chủ động vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến tới sản xuất chế tạo thiết bị toàn bộ trong một số lĩnh vực trọng điểm như: nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị toàn bộ các nhà máy điện gió, điện mặt trời; thiết bị của hệ thống truyền tải và phân phối điện. Đồng thời, Việt Nam cần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về KH&CN trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị năng lượng.
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng được tổ chức lần này thực sự là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp gỡ và đưa ra giải pháp nhằm phát triển đồng bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; đưa công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước phát triển.
Tại Diễn đàn, Bộ KH&CN đã tiếp nhận được những những ý kiến đóng góp, chia sẻ, những khuyến nghị thiết thực của các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, doanh nghiệp, Viện, trường. Trên cơ sở đó Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực công nghệ trong nước nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của ngành năng lượng.
www.truyenthongkhoahoc.vn (ttncac)