SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phải tạo nên một cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng

[06/08/2018 10:30]

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Trần Văn Tùng tại Hội thảo công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng các tỉnh thành phố năm 2018 diễn ra ngày 3/8.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.

Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với xã hội

Phát biểu tại Hội thảo công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) các tỉnh thành phố năm 2018 diễn ra ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã đánh giá cao tinh thần xây dựng, đóng góp ý kiến, các tham luận giàu tính khoa học, đúc kết đến từ đại diện các cơ quan, đơn vị hoạt động về Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

“Qua 19 báo cáo được các cơ quan, đơn vị chức năng trình bày đã thể hiện rõ bức tranh đầy đủ, phong phú về hoạt động TCĐLCL thời gian qua. Đồng thời, khẳng định rõ một thực tế rằng, TCĐLCL nói riêng và lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung đã có một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, đối với Bộ KH&CN, hiện đang có hai trụ cột chính rất gần, sát thực tế để cơ quan nhà nước tiếp cận, hiểu và giúp đỡ doanh nghiệp. Đó là tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ. Ngay cả trong kỳ họp về tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ cũng đã nhắc đi nhắc lại tới 7-8 lần về khoa học và công nghệ, trong đó có TCĐLCL. Đồng thời, khẳng định nếu muốn tái cơ cấu hiệu quả thì phải dựa vào khoa học và công nghệ, trong đó bao gồm hoạt động TCĐLCL làm trọng tâm.

Không những thế, trong nội dung về khoa học công nghệ, Chính phủ cũng đặc biệt đề cập tới những vấn đề như năng suất chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt, chỉ số TFP được nhấn mạnh nhiều lần và được đưa vào trong cả báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tại các buổi họp, vấn đề làm sao để doanh nghiệp không bị cản trở về các thủ tục hành chính, việc giảm 50% điều kiện kinh doanh để cởi trói cho doanh nghiệp hay cả việc minh bạch, công khai thông tin của cơ quan quản lý trong quá trình doanh nghiệp làm thủ tục cũng là vấn đề được quan tâm, lưu ý.

“Những trăn trở để làm sao nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp, hướng tới hội nhập với thị trường trong nước và thế giới là vấn đề được Chính phủ, các Bộ, ngành hết sức quan tâm.

Ví dụ như trong hoạt động sản xuất nông nghiệp thời gian qua, đặc biệt nhấn mạnh tới sản xuất theo chuỗi (từ giống-chăm sóc-thu hoạch-bảo-quản-đưa ra thị trường…). Tất cả các bộ phận cấu thành chuỗi liên kết đều tuân thủ theo những quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng . Và dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn ấy để đánh giá về sản phẩm của Việt Nam có đáp ứng các điều kiện về chất lượng, nguồn gốc để đưa ra thị trường trong nước và ngoài nước hay không.

Sắp tới, theo nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao, với nhiều yêu cầu, đề nghị hợp tác, giúp đỡ từ các Bộ, ngành khác, chúng ta phải đảm bảo việc tạo nên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn để hàng hóa sản phẩm của Việt Nam đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài”, Thứ trưởng Tùng nói.

Phải bắt kịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, hoạt động TCĐLCL nói riêng. Theo Thứ trưởng, để hoạt động TCĐLCL thực sự đi vào thực tiễn sản xuất, có hiệu quả, việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học công nghệ, của các mạng công nghiệp 4.0 là vô cùng cần thiết. Ông cho rằng: “Đối với cách mạng 4.0, tôi thấy có công nghệ Blockchain đang rất được dư luận quan tâm. Đây không phải là công nghệ chỉ hướng đến Bitcoin ,tiền ảo mà còn được ứng dụng trong rất nhiều các lĩnh vực khác. Trong đó, có một lĩnh vực mà ngành TCĐLCL chúng ta đang làm thời gian qua là truy xuất nguồn gốc các sản phẩm.

Hiện tại, đối với rất nhiều sản phẩm chúng ta đã có mã số mã vạch hoặc mã QR để truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, để đảm bảo hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu được thuận lợi thì nên kết hợp cơ sở dữ liệu, thông tin từ hai loại hình này. Khi đó, không chỉ người tiêu dung mà các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối cũng biết được hàng hóa có nguồn gốc từ đâu, có đảm bảo tiêu chuẩn hay không”.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ thêm, hiện phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có đề nghị với Bộ KH&CN chuyển giao công nghệ, hỗ trợ về blockchain để đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp và mong muốn những sản phẩm đó được theo dõi, đánh giá chặt chẽ, đảm bảo các chuẩn cần thiết để có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Để làm được điều này, Thứ trưởng Tùng cho rằng các đơn vị thuộc ngành TCĐLCL mà cụ thể là phía Tổng cục TCĐLCL phải lên phương án xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn. Trong đó, dữ liệu từ doanh nghiệp, cấp Chi cục địa phương với Tổng cục sẽ có thể liên kết với nhau để cung cấp thông tin, hoàn thiện thủ tục một cách nhanh nhất, đỡ tốn kém, phiền hà nhất, vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa giúp cơ quan nhà nước làm tốt công tác quản lý.

“Trong cuộc cách mạng 4.0, đối với hoạt động TCĐLCL cần xây dựng một hệ thống kết nối dữ liệu thông suốt, ứng dụng các thành tựu của khoa học hiện đại về kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo… để giúp cho mọi hoạt động chức năng được gọn gang, dễ dàng và khoa học. Chúng ta cần phải tạo ra một cuộc cách mạng 4.0 trong chính lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng”, Thứ trưởng phát biểu.

Đối với việc đảm bảo cơ sở cho việc sản xuất sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp đạt chuẩn, chất lượng tốt, Thứ trưởng Tùng cũng đề nghị Tổng cục TCĐLCL hoàn thiện các chính sách , quy định về chuẩn sản phẩm. Trong đó, chú ý tới những xu hướng đang tác động trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất thực phẩm theo chuỗi liên kết an toàn.

“Các đơn vị chức năng của Tổng cục TCĐLCL phải bám sát, hỗ trợ, cùng doanh nghiệp, các địa phương xây dựng sản phẩm đặc thù đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khâu giải quyết giấy tờ, thủ tục phải được làm khoa học, nhanh gọn, kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đưa sản phẩm, thương hiệu Việt ra nước ngoài nhiều hơn”, Thứ trưởng đánh giá.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng còn nhấn mạnh, thời gian tới, Tổng cục TCĐLCL cần quan tâm đặc biệt đến công tác tổ chức, các cơ quan trong Tổng cục phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng. Đồng thời, phối kết hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Bộ KH&CN đã đề ra.

Trong đó, cần tăng cường năng lực cho các trung tâm, chi cục địa phương về trang thiết bị, con người đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội, làm tốt hơn nữa vai trò tiên phong của tiêu chuẩn đo lường chất lượng…

www.vietq.vn (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ