Giải pháp “hút” nhân tài khoa học công nghệ
Trong Nghị quyết của các kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đều nhất quán thể hiện tư tưởng trọng dụng và đãi ngộ đối với nhân tài, song thực tiễn chưa phản ánh đúng nhận thức này.
Đây là ý kiến của nhiều nhà khoa học
tại hội thảo “Nhân tài với thịnh
suy đất nước” do Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài
Việt Nam tổ chức ngày 27/9. Tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Hùng, Giám
đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Dân vận, Ban Dân vận Trung ương đã đề
xuất nhiều giải pháp đổi mới chính sách cán bộ và xây dựng chế
độ, chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài khoa học - công nghệ.
TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, năng khiếu
về khoa học công nghệ bắt nguồn từ trí thông minh, sáng tạo và niềm
đam mê, khám phá, chứa đựng nhiều yếu tố bẩm sinh, tự nhiên và
thường bộc lộ khá sớm, thậm chí ngay từ lứa tuổi học sinh phổ
thông, bởi vậy cần được phát hiện và tạo điều kiện phát triển.
Các nhà khoa học công nghệ có thể
phân thành hai loại chính: các học giả, nhà lý luận – thường hoạt
động giảng dạy, nghiên cứu khoa học (tài năng lý luận) và các nhà sáng
chế, ứng dụng - thường hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu triển
khai, ứng dụng và sản xuất (tài năng sáng chế, ứng dụng). Việc thực
hiện quy trình phát hiện đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài
KH-CN phải qua các bước, các giai đoạn (phát hiện, đào tạo, bồi
dưỡng, sử dụng…) công khai, minh bạch và khách quan. Cụ thể việc
trọng dụng nhân tài phải thực hiện được 5 giải pháp thiết yếu.
Thứ
nhất, tạo môi trường khoa học. Đảm bảo điều kiện tốt cho hoạt
động đào tào, nghiên cứu, ứng dụng và sáng chế khoa học - công nghệ,
đảm bảo các điều kiện cần thiết về nguồn nhân lực cũng như về pháp
lý, chính trị, tổ chức để cho nhà khoa học tài năng có thể phấn
đấu vươn lên sáng tạo, đổi mới, đề xuất được các giải pháp đột phá
để phát triển khoa học, công nghệ.
Thứ hai,
trọng dụng nhân tài. Mạnh dạn sử dụng, giao trọng trách, nhiệm vụ
lớn và tạo điều kiện để các nhà khoa học - công nghệ thử thách
trong môi trường sáng tạo và đem sức lực, trí tuệ cống hiến cao
nhất, tốt nhất, tương xứng với tài năng của mình. Các nhà khoa học
công nghệ có thể được bổ nhiệm các chức vụ quản lý đơn vị chuyên
môn như chủ nhiệm bộ môn, chủ nhiệm khoa, trưởng phòng nghiên cứu,
trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm, liên ngành, giám đốc trung tâm
nghiên cứu khoa học… Những nhà khoa học công nghệ có năng lực nổi bật
về quản lý, lãnh đạo có thể được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh
đạo, quản lý chủ chốt ở các cơ quan khoa học công nghệ quan trọng
của đất nước.
Thứ
ba, coi trọng đãi ngộ về tinh thần. Đánh giá đúng, công bằng năng
lực và cống hiến của các nhà khoa học có tài thông qua hệ thống
đánh giá: văn bằng, học vị, khả năng và thành tích hoạt động, lao
động nghề nghiệp, nhất là giá trị sáng tạo của họ; biểu dương tôn
vinh cống hiến của các nhà khoa học bằng những danh hiệu vinh dự,
xứng đáng và các phần thưởng cao quý của Nhà nước và nhiều hình
thức động viên, khích lệ ở địa phương, cơ quan, đơn vị hoặc trên các
phương tiện thông tin đại chúng…
Thứ
tư, đãi ngộ về vật chất. Ưu đãi về lương, cơ chế trích thưởng
thông qua lợi nhuận giá trị sản phẩm khoa học khoa học công nghệ, chế
độ thù lao, các nhu cầu sinh hoạt (nhà ở, phương tiện đi lại, điều
kiện làm việc…) phù hợp với tài năng và đóng góp cho xã hội, đất
nước; có phần thưởng vật chất xứng đáng đối với những đóng góp có
giá trị cao cho phát triển kinh tế xã hội.
Thứ năm, có cơ chế bảo vệ nhân tài.
Các nhà khoa học thường có những ý tưởng sáng tạo, độc đáo, táo
bạo, cải cách nên có thể bị cản trở, đố kỵ. Hơn nữa cũng là đối
tượng quan tâm, thu hút, lôi kéo của các thế lực bên ngoài, do đó cần
có cơ chế bảo vệ thích hợp, đảm bảo cho nhân tài được làm việc
trong môi trường an toàn, toàn tâm, toàn ý cho hoạt động sáng tạo.