Phòng thí nghiệm Hóa học phân tích (Đại học KHTN, ĐHQGHN): Nâng cao kỹ năng chuyên ngành cho sinh viên
Khai trương ngày 11/10/2018, phòng thí nghiệm Hóa học phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Ứng dụng Khoa học phân tích được các nhà nghiên cứu Khoa Hóa trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN) được đặt kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao kỹ năng chuyên ngành cho sinh viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài trường.
Sinh viên thực hành trong phòng thí nghiệm (Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Ứng dụng Khoa học phân tích, ĐHKHTN). Nguồn: ĐHKHTN
Phòng thí nghiệm Hóa học phân tích là một dự án trong chương trình Đào tạo tại chỗ về Hóa học phân tích (On-site Education Program on Analytical Chemistry - OEPAC) – một dự án hợp tác bắt đầu từ năm 2015 giữa hai trường đại học Khoa học tự nhiên và đại học Tokyo, Nhật Bản. Thông qua mối quan hệ hợp tác này, các tập đoàn chế tạo thiết bị phân tích và sản xuất hóa chất hàng đầu của Nhật Bản như Hitachi, Horiba, TCI… đã đầu tư toàn bộ máy móc, thiết bị nghiên cứu và hóa chất cho phòng thí nghiệm. Trong giai đoạn I của dự án, mục tiêu của PTN là tập trung nâng cao kỹ năng phân tích cho sinh viên ở Khoa Hóa học và Khoa Môi trường, trường đại học Khoa học tự nhiên. Từ nay cho đến giai đoạn II (trong vòng 5 năm tới), với việc bổ sung trang thiết bị, quy mô đào tạo của PTN cũng sẽ được mở rộng để “đón” cả sinh viên và nghiên cứu sinh ngoài trường, đồng thời đào tạo cán bộ trong các tổ chức nghiên cứu về môi trường hoặc an toàn thực phẩm. PGS.TS Bùi Duy Cam, Giám đốc Trung tâm NCPT& Ứng dụng KHPT, nói: “Đối tác Nhật Bản mong muốn các thiết bị do họ đầu tư được khai thác một cách hiệu quả và càng được nhiều người dùng càng tốt”.
Mục tiêu hàng đầu của PTN là nâng cao kỹ năng chuyên ngành hóa phân tích cho sinh viên. Giải thích vì sao Trung tâm lại đặt nhiệm vụ này cho PTN, PGS.TS Bùi Duy Cam cho biết, Trung tâm nhận thấy, khi ra trường, nhiều sinh viên ngành Hóa phân tích vẫn còn rất ‘lơ ngơ’, thiếu kỹ năng sử dụng thiết bị, điều đó khiến các em hết sức thiệt thòi vì mất thời gian phải làm quen từ đầu. Nguyên nhân là trước đây vẫn tồn tại quan niệm sợ sinh viên làm hỏng máy móc hoặc sinh viên không cần phải biết thiết bị hiện đại, “nếu cứ sợ sinh viên làm hỏng máy móc thì không bao giờ tiến bộ được”, ông nhận xét.
Trong ngày khai trương PTN, Trung tâm đã tổ chức hội thảo quốc tế“Ứng dụng các thiết bị phân tích trong nghiên cứu và đào tạo môi trường, thực phẩm và y học” – một hoạt động định kỳ được bắt đầu kể từ khi triển khai dự án vào năm 2015.