SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chia sẻ thành tựu mới nhất về công nghệ và quản lý địa chất, khoáng sản

[17/10/2018 10:07]

Các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ 21 quốc gia đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ và quản lý trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và năng lượng, hướng tới phát triển bền vững tại GEOSEA XV.

Các nhà quản lý, nhà khoa học cùng chia sẻ về những thành tựu mới trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản

Diễn ra từ 16-17/10, Đại hội Địa chất, Tài nguyên khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á lần thứ 15 (GEOSEA XV) có chủ đề: Khoa học địa chất và Tài nguyên Trái đất hướng tới phát triển bền vững. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra đối với toàn cầu và khu vực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng kết hợp với tai biến địa chất đang đe dọa đời sống, sinh kế của người dân như thảm họa động đất, sóng thần.

GEOSEA XV sẽ chia sẻ kinh nghiệm quản lý, nghiên cứu điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác tài nguyên của Trái đất trong cộng đồng các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới; thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực khoáng sản theo Kế hoạch Hành động Hợp tác Khoáng sản ASEAN giai đoạn 2016-2025.

Đại hội thu hút sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, là các nước thành viên khối ASEAN và các nước có ngành địa chất, khoáng sản phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Nga, Nhật Bản, Đan Mạch, Canada, Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: “Cùng với cuộc cách mạng 4.0, đã đến lúc chúng ta cần thiết lập một mạng lưới, có sự liên kết chặt chẽ của các nhà khoa học địa chất và khoáng sản trên thế giới để có thể chia sẻ, kết nối những kinh nghiệm, thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ và quản lý trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và năng lượng. Từ đó, hướng tới phát triển bền vững của các quốc gia, cùng tạo nên cơ sở dữ liệu lớn về trái đất để có thể hiểu, chia sẻ với thế hệ tương lai”

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, với sự đa dạng về địa chất, tài nguyên khoáng sản, các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam luôn sẵn sàng là địa chỉ để các tổ chức, các quốc gia, các nhà khoa học thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu về địa chất, tài nguyên và năng lượng.

"Chúng ta cần phải biết về quá khứ để có thể đưa ra dự báo trong tương lai nhằm giảm nhẹ tác động tai biến địa chất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tôi cho rằng, đây là thời điểm hết sức quan trọng và cũng là thời điểm cần có câu trả lời khoa học về diễn biến, xu thế của các vấn đề liên quan đến tác động kép của biến đổi khí hậu gây nên”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học địa chất, tài nguyên khoáng sản và năng lượng được bắt đầu từ những năm cuối của thế kỷ 19. Đến nay, đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản về nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản… Việt Nam đang tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học về Trái đất, khoáng sản và tìm kiếm sử dụng các nguồn năng lượng mới.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Cảnh Dương, Việt Nam đã hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất, điều tra khoáng sản các tỉ lệ 1:500.000, 1:200.000 trên toàn diện tích phần đất liền và tỉ lệ 1:50.000 đạt khoảng 73% diện tích. Hàng ngàn mỏ khoáng sản đã được phát hiện và đưa vào thăm dò, khai thác. Hoạt động điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản biển được đẩy mạnh từ những năm cuối thế kỷ 20, đã hoàn thành ở tỉ lệ 1:500.000 đới biển nông ven bờ (độ sâu 0-100 m nước); đồng thời tỉ lệ 1:250.000, 1:100.000, 1:50.000 đã được hoàn thành ở một số khu vực biển.

Tại GEOSEA XV, ngoài phiên họp toàn thể, các báo cáo sẽ được trình bày trong 12 Tiểu ban chuyên môn gồm: Cổ sinh - Địa tầng - Trầm tích luận;  Địa hóa - Khoáng vật;  Thạch luận đá magma và biến chất; Địa chất biển; Địa vật lý; Cấu trúc địa chất - Kiến tạo - Sinh khoáng; Tài nguyên khoáng sản và Công nghiệp khai khoáng; Tài nguyên năng lượng và chế biến; Địa chất Thủy văn, Quản lý Tài nguyên nước và Địa chất công trình; Địa chất môi trường - Di sản địa chất - Công viên địa chất; Địa kỹ thuật và Địa chất đô thị; Biến đổi khí hậu và Tai biến địa chất.

Ngoài ra, có 5 tuyến thực địa trước và sau Đại hội gồm: Di sản thế giới Vịnh Hạ Long-Cát Bà; Đới cắt trượt Sông Hồng - biến chất Hoàng Liên Sơn; Đới Ophyolit Sông Mã - Rift Sông Đà; Công viên Địa chất toàn cầu Đồng Văn; Đới biến chất cao và siêu cao Kon Tum.

www.chinhphu.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ