Cơ giới hóa nông nghiệp 4.0: Cần kết hợp giữa 'cứng' và 'mềm'
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, hiện đại hóa công nghiệp chế biến hiện nay phải cung cấp cho nông dân các loại máy mạnh hơn, thích nghi hơn, thông minh hơn như các dạng robot nông nghiệp.
Hệ thống chế biến lúa gạo tại doanh nghiệp Bùi Văn Ngọ
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa với sản lượng khoảng 40 triệu tấn lúa mỗi năm. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất cũng như giá trị kinh tế cây lúa đem lại vẫn ở mức tương đối thấp.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là trình đô cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến chưa cao. Do đó, đây là dư địa rất lớn dành cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước. TS Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), cho biết trong giai đoạn 2018 – 2030, thị trường máy nông nghiệp, máy chế biến sau thu hoạch được dự đoán khoảng 3 tỷ USD/năm.
Không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí, theo tính toán của các chuyên gia, việc cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp cũng đem lại nguồn lợi khổng lồ cho ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thể Hà ước tính cơ giới hóa có thể đem lại giá trị gia tăng hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm cho ngành nông nghiệp
Kỹ sư Nguyễn Thể Hà, tư vấn đầu tư của Công ty Bùi Văn Ngọ, cho biết công lao động mỗi vụ lúa hiện khoảng 125 công/ha. Nếu thực hiện cơ giới hóa hiệu quả, con số này có thể giảm xuống còn 75 công/ha/vụ. Với giá nhân công ước tính 150.000 đồng/ngày, chi phí tiết kiệm được trên mỗi ha là 7,5 triệu đồng, tương ứng khoảng 1.500 đồng/kg lúa.
Bên cạnh đó, các thiết bị chế biến lúa gạo cũng là lĩnh vực có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam đang trồng phần lớn là các giống lúa hạt dài, canh tác ngắn ngày. Những giống lúa này cần áp lực xay, xát nhẹ để tránh bị vỡ trong quá trình chế biến. Trong khi đó, các máy móc nhập ngoại thường được thiết kế cho giống lúa hạt tròn, cần áp lực lớn hơn.
Bởi vậy, Công ty Bùi Văn Ngọ đã tập trung cải tiến máy móc nhập ngoại để phù hợp với điều kiện canh tác lúa của Đồng bằng Sông Cửu Long và đạt được kết quả rất tích cực.
Ông Hà cho hay: “Công suất nhà máy chế biến của công ty hiện tại đạt 1000 tấn/ngày. Sản phẩm của công ty đã thay thế được thiết bị nhập khẩu, giảm tỷ lệ tổn thất từ 22% xuống còn 5% và tăng giá trị hạt gạo. Các sản phẩm này cũng đã xuất khẩu, cạnh tranh có hiệu quả trên nhiều thị trường ở Đông Nam Á, châu Phi hay Mỹ La tinh.”
Ông Hà cũng cho biết thêm ứng dụng cơ giới hóa trong thu gom rơm rạ cũng đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ. Thay vì phương pháp đốt hay vùi rơm trên ruộng sau thu hoạch như truyền thống, ứng dụng cơ giới hóa giúp tận dụng triệt để rơm phục vụ chăn nuôi, trồng nấm... Theo ước tính, việc này có thể đem lại nguồn thu khoảng 2.500 đồng/kg lúa.
Tổng cộng những nguồn lợi kể trên, việc cơ giới hóa trong toàn chuỗi có thể đem lại giá trị tăng thêm khoảng 5.000 đồng trên mỗi kg lúa. Với sản lượng lúa hiện nay khoảng 40 triệu tấn/năm, chỉ cần thực hiện được 50% thì lợi ích từ cơ giới hóa tính riêng trong sản xuất lúa đã lên đến 100 ngàn tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó, nhu cầu cải tiến công nghệ, đầu tư máy móc trong những ngành nông nghiệp khác cũng rất lớn.
Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ông Hà cho rằng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, hiện đại hóa công nghiệp chế biến hiện nay phải cung cấp cho nông dân các loại máy mạnh hơn, thích nghi hơn, thông minh hơn như các dạng robot nông nghiệp. Từ đó, cơ giới hóa nông nghiệp hướng tới sản xuất nông nghiệp thông minh thế hệ mới.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI, nhận định ngành cơ khí vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. “Trong điều kiện hiện nay, các công nghệ phần mềm như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số... đang đóng vai trò hết sức quan trọng còn công nghiệp nặng, trong đó có công nghiệp cơ khí tạo ra phần cứng để chuyển tải những phần mềm đó.”