Chất lượng sữa học đường phải đảm bảo quy chuẩn QCVN 5:1/2017
Bộ Y tế nhấn mạnh, sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu.
Bộ Y tế yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sữa ( Ảnh minh họa)
Công văn số 7162/BYT-BM-TE của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường triển khai Chương trình Sữa học đường.
Theo đó, Bộ Y tế nhấn mạnh “sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu” theo Thông tư 29/2017 của Bộ NN&PTNT và QCVN 5:1/2010- BYT, nhằm đảm bảo quyền lợi dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học thông qua việc kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sữa.
Tại Thông tư 29/2017 của Bộ NN&PTNT, sữa tươi nguyên liệu để sản xuất sữa học đường phải đảm bảo 9 chỉ tiêu kỹ thuật, trong đó có yêu cầu về chỉ tiêu cảm quan và chỉ tiêu lý, hóa; giới hạn về số lượng tế bào soma; kiểm soát vi khuẩn, độc tố vi nấm (Aflatoxin M1); kim loại nặng; dư lượng thuốc thú y; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; yêu cầu về bảo quản, vận chuyển.
Trong các chỉ tiêu này có 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất là giới hạn về số lượng tế bào soma trong 1 ml sữa không lớn hơn 1.000.000 tế bào. Thứ 2 là yêu cầu về bảo quản, vận chuyển: sữa tươi nguyên liệu luôn được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-6°C.
Thực tế tại Việt Nam, quy trình sản xuất sữa quy mô nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát thú y và vắt sữa hở nên rất khó đạt các tiêu chí vừa nêu. Nếu sữa tươi nguyên liệu thu gom ở nông hộ không có quy trình giám sát chặt chẽ, sẽ dễ dẫn tới tình trạng thu gom cả những loại sữa tươi không đủ tiêu chuẩn.
Đó cũng là lý do Bộ Y tế nhấn mạnh trong công văn 7162 ngày 26/11/2018 về tiêu chuẩn sữa tươi nguyên liệu trong sản xuất sữa học đường. Nguyên liệu sữa tươi đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 29 sẽ tiếp tục chế biến và chứng nhận theo QCVN 5:1/2017.