SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

An Giang giúp nông dân đưa khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng

[14/10/2011 14:50]

Khi sản xuất nông nghiệp phát triển hiện đại buộc người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất từ canh tác truyền thống chuyển sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng. Hội Nông dân tỉnh An Giang cùng các sở, ngành liên quan đã có những cách làm sáng tạo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến tận đồng ruộng cho người nông dân.

Từ mô hình cà-phê khuyến nông

Hiểu rõ tập quán của bà con nông dân thường tập trung trao đổi kinh nghiệm sản xuất hay tìm hiểu những cách làm hay, cách bón phân hiệu quả, những loại thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ dịch hại tốt... bên những tách trà, quán nước, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, Báo Nông nghiệp Việt Nam gắn kết cùng Hội Nông dân tỉnh An Giang, địa phương và bà con nông dân  thực hiện mô hình Cà-phê khuyến nông (CPKN), là nơi để gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sản xuất và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật. "Hiệu quả ngay những ngày đầu thực hiện mô hình. Thứ nhất phù hợp tập quán sinh hoạt bà con nông dân. Thứ hai mô hình đã trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần, khoa học - kỹ thuật trực tiếp sau những buổi thăm đồng về", Trưởng Ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh An Giang Trần Thị Minh Nguyệt, nhìn nhận. Sau khi quán CPKN đầu tiên của An Giang được khai trương thí điểm tại ấp Sơn Hiệp (An Bình, Thoại Sơn, An Giang) vào ngày 30-1-2008, mô hình này đã nhanh chóng lan rộng với 17 quán CPKN đi vào hoạt động trải đều trên tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố.

Với cách tiếp cận quen thuộc, gần gũi, mỗi ngày các quán này đã thu hút từ vài chục đến cả trăm lượt nông dân đến truy cập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tình hình sản xuất nông nghiệp, diễn biến giá cả thị trường nông sản, vật tư nông nghiệp... Tại quán CPKN của ông Ngô Văn Sáu ở ấp Sơn Hiệp, ông Lê Văn Sở, vẫn thường xuyên đến quán chia sẻ: "Gia đình tôi làm khoảng 100 công đất, trước đây chủ yếu canh tác theo tập quán ông bà để lại. Chuyện ba giảm ba tăng gì đó trước đây đâu có biết. Nông dân đầu sáng mặt tối ngoài đồng, có ai mua báo chí xem đâu. Vậy mà từ khi có quán CPKN của chú Sáu ra đời, chẳng những anh em có được chỗ nói chuyện làm ruộng rôm rả mà còn biết thêm sách hướng dẫn, tờ rơi giới thiệu giống mới, các tiến bộ kỹ thuật hay, biết cách sản xuất theo hướng sạch hơn, phòng, chống dịch bệnh ngay lúc nó mới chớm bệnh... Thời buổi này mà làm biếng học hỏi là thất bại như chơi". Mỗi lần đến quán, ông Út Sở cũng như nhiều nông dân khác đều mang theo cuốn sổ để ghi chép những kiến thức vừa thu nhặt được. Còn tại quán CPKN của anh Nguyễn Văn Lời, ấp Phú Thượng (xã Phú Thành, huyện Phú Tân), hằng ngày cũng thu hút hơn 100 lượt nông dân đến tìm hiểu, chia sẻ thông tin. "Sáng nào ông xã tui cũng đi uống cà-phê. Thay vì đi những chỗ khác như lúc trước thì tui kêu ổng đến quán CPKN để học hỏi kỹ thuật làm ruộng, coi như tiền đưa ổng đi uống cà-phê cũng  có lời vì biết thêm nhiều thông tin", chị Ðặng Thị Nhỏ làm phép so sánh.

Sau khi đưa vào hoạt động, quán CPKN của ông Sáu cũng như nhiều tụ điểm khác đã được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân An Giang hỗ trợ trang bị bảng hiệu, tủ đựng tài liệu, tài liệu, sách báo về kỹ thuật canh tác, tin tức... Do vậy, bên cạnh việc được kỹ thuật viên hướng dẫn tìm kiếm tài liệu trên mạng, nông dân cũng có thể tự cập nhật thông tin cho mình vì tại quán CPKN được trang bị nhiều loại báo.

Ðến tri thức hóa nông dân

Ðể tri thức hóa cho người nông dân, tỉnh An Giang đã mạnh dạn triển khai thí điểm các điểm truy cập in-tơ-nét tại nhiều địa phương thuần nông của tỉnh nhằm giúp người dân một mặt tiếp cận KHKT mà còn nâng cao dân trí cho người nông dân. Xã vùng sâu Tân Thạnh (thị xã Tân Châu) là một trong những địa phương được Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh chọn ra mắt điểm cung cấp thông tin KHCN đặt tại Trung tâm học tập cộng đồng của xã. Ðược trang bị hai máy vi tính có kết nối in-tơ-nét, máy in, máy ảnh kỹ thuật số, tủ đựng tài liệu, bàn ghế sinh hoạt... nên sau khi đưa vào hoạt động từ tháng 11-2009, đến nay, điểm cung cấp thông tin KHCN này có hơn 700 nông dân thường xuyên đến truy cập thông tin. Từ khi thành lập điểm cung cấp thông tin KHCN, xã đã xử lý được 235 tin hoạt động đưa lên trang thông tin điện tử của xã và cung cấp được 103 tin khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, 60 cán bộ và nông dân sản xuất giỏi trong xã còn được tập huấn về việc sử dụng in-tơ-nét, được chuyển giao 308 phim khoa học và hơn 1.000 tài liệu kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, mô hình kinh tế hiệu quả..., một lãnh đạo xã Tân Thạnh cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Nguyễn Văn Nhẫn, mỗi ngày, trung bình có khoảng 10 nông dân đến truy cập thông tin và in ấn tài liệu. Tính đến nay, điểm cung cấp thông tin KHCN đã thu hút gần 1.000 người tham gia. Bên cạnh đó, họ còn tìm hiểu về giá cả thị trường, nơi tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm trước khi muốn phát triển mô hình mới. Từ hiệu quả của mô hình này, xã Vĩnh Phú đã phát triển thêm được ba điểm truy cập in-tơ-nét với 50 máy vi tính. "Ðiểm cung cấp thông tin KHCN còn trợ giúp cán bộ xã có thể lên mạng tìm kiếm các văn bản mới, cập nhật những thông tin chính xác để giải đáp thắc mắc cho người dân", Phó Chủ tịch UBND xã đánh giá.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho rằng, mô hình điểm cung cấp thông tin KHCN đã giúp bà con nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào đồng ruộng, đóng góp hiệu quả vào một trong 20 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đề án của tỉnh cũng như đã triển khai tốt việc tri thức hóa cho người nông dân.

Báo Nhân dân (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ