Trà hoa khô: Nhập nhèm nguồn gốc, khó kiểm soát chất lượng
Trà hoa khô đang rất được ưa chuộng, trở thành lựa chọn của người tiêu dùng bên cạnh các loại trà truyền thống. Dù vậy, vẫn có những nguy cơ nhất định đối với loại thảo dược này.
Trà hoa khô đang được người tiêu dùng ưa chuộng, tuy nhiên nên thận trọng với hàng trôi nổi không được kiểm soát về an toàn thực phẩm.
Trà hoa khô và nỗi lo “hàng xách tay”
Các công trình nghiên cứu, báo cáo y học đều thống nhất rằng trà thảo mộc có nhiều lợi ích đối với con người. Trà thảo mộc có vai trò quan trọng trong tăng cường sức khỏe, chống viêm thông qua các chơ chế ức chế chất trung gian gây viêm, ức chế hoạt động của các chất tiền viêm, chống oxy hóa.
Các loại trà này đều có hương vị đặc trưng riêng, ví dụ như trà hoa hồng, trà hoa cúc, trà sen… mang hương thơm của các loại hoa, rồi đến các loại trà la hán, trà đại sâm, trà ô long nhân sâm… giúp thanh nhiệt, mát gan, bổ thận, rất tốt cho sức khỏe con người. Với phụ nữ, trà thảo mộc còn giúp tái tạo da, ngăn ngừa quá trình lão hóa, se khít lỗ chân lông và đặc biệt là không lo tích mỡ.
Để an toàn, người tiêu dùng nên lựa chọn các loại hoa hoa khô ở những nơi bán uy tín, đã được chứng nhận về an toàn thực phẩm của cơ quan y tế. Khi sử dụng trà nên tráng nước sôi ở nước đầu tiên và không sử dụng các loại hoa khô để lâu, có dấu hiệu nấm mốc. Đặc biệt không sử dụng các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
PGS -TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia công nghệ thực phẩm)
Thời gian gần đây, người tiêu dùng bỗng trở nên ưa chuộng với loại trà thảo mộc từ các loại hoa khô. Đặc điểm của loại trà này bên cạnh vị thanh mát còn có hương thơm dịu nhẹ rất đặc trưng. Bên cạnh đó, giá của các loại trà thảo mộc hoa khô này cũng phải chăng, dao động từ 350.000 - 800.000/kg tùy loại. Một kg trà có thể sử dụng trong nhiều tháng.
Trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử trà hoa khô được rao bán phổ biến hơn cả. Nhiều lời quảng cáo hấp dẫn từ công dụng của các loại trà hoa, trong đó chỉ số ít bán hàng nói về nguồn gốc và nếu có nói thì khẳng định là “hàng xách tay” với số lượng ít.
Theo tìm hiểu của PV, một chủ cửa hàng trà hoa khô trên đường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trà hoa khô ở nước ta chủ yếu là hàng “xách tay” tiểu ngạch từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, trà hoa khô cũng được quảng cáo có xuất xứ ở nhiều quốc gia khác như Nhật, Bulgari, Philippines...
“Với giá vài trăm được cả kg hoa khô, sau đó mang về đóng bao gói, gắn thương hiệu lên thế là thành hàng trong nước, người mua khó mà biết được thực sự nguồn gốc ở đâu”, chủ cửa hàng hoa khô này nói.
Việc các loại trà thảo mộc lưu hành tràn lan trên thị trường chứa đựng nguy cơ về an toàn thực phẩm. Bởi lẽ, bên cạnh nguồn gốc nhập nhèm thì điều đáng quan tâm hơn là chất lượng các loại trà hoa khô này. Thật khó kiểm soát được quy trình sản xuất, tẩm ướp và chế biến hoa, nguồn gốc hoa cũng như bảo quản trà. Đã là “hàng xách tay” trôi nổi trên thị trường thì không được kiểm soát về an toàn, về các dư lượng hóa học đáp ứng tiêu chẩn của Bộ Y tế.
Lợi bất cập hại, người tiêu dùng nên cẩn trọng
Lâu nay, người tiêu dùng luôn lo ngại các sản phẩm thực phẩm, tiêu dùng có nguồn gốc trôi nổi. Lý do bởi các sản phẩm này không tuân thủ theo tiêu chuẩn chất lượng, không đáp ứng yêu cầu trong khâu chế biến và bảo quản. Các nguy cơ về nấm mốc, biến chất hoa khô là điều người tiêu dùng cần lưu tâm.
Chất bảo quản, nấm mốc và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là những nguy cơ tiềm ẩn trong trà hoa khô có thể gây hại cho sức khỏe người dùng.
Trong khi đó, trà hoa khô lại là sản phẩm ngâm uống trực tiếp, nếu có vấn đề người tiêu dùng sẽ khó tránh được nguy cơ ngộ độc. Các dư chất hóa học nếu còn tồn tại trong hoa khô, sẽ tác động tiêu cực đến cơ thể. Trà hoa khô lại là sản phẩm sử dụng thường xuyên. Nếu các chất hóa học, thậm chí thuốc trừ sâu khi trồng, chế biến và bảo quản hoa khô đi vào cơ thể trong thời gian dài sẽ gây ra những bệnh lý, biến chứng khó lường. Thậm chí, đây chính là căn nguyên của các căn bệnh ung thư.
Câu chuyện gia đình chị Hải Yến (Hoàng Mai, Hà Nội) là một dẫn chứng cụ thể cho nguy cơ ngộ độc từ trà hoa khô. Tìm mua một kg trà hoa hồng với giá 550.000 đồng, chị Hải Yến pha trà hoa khô về cho gia đình uống. Tuy nhiên đến lần thứ ba dùng trà hoa hồng này thì cả gia đình có dấu hiệu bị ngộ độc, riêng đứa con út mới 7 tuổi bị nặng nhất, bị tiêu chảy và phải đưa đi bệnh viện. Tại đây, bác sỹ khuyến cáo rằng gia đình chị có thể bị ngộ độc do dùng phải hồng trà có mầm nấm mốc. Từ đó trở đi chị Hải Yến “đoạn tuyệt” luôn với hồng trà cũng như các loại trà hoa khô.
Đặc biệt, ngay cả khi một số loại trà hoa khô có xuất xứ từ Việt Nam cũng có những cơ sở không đảm bảo về yêu cầu kiểm nghiệm chất lượng. Đầu tháng 8/2018 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ra quyết định thu hồi một số lô Trà Thảo mộc Hoa Sâm Đất do các sản phẩm này không đạt kết quả về chỉ tiêu kiểm nghiệm. Đây chính là hồi chuông cảnh báo với người tiêu dùng về chất lượng các loại trà hoa khô đang tràn ngập thị trường tiêu dùng.