Đổi mới sáng tạo: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, tri thức và đổi mới sáng tạo là động lực để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, cần có những giải pháp để tiếp tục nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Ảnh: Hán Hiển
Nhiều hỗ trợ nâng cao năng lực ĐMST từ Bộ KH&CN
Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) là bộ chỉ số được chuẩn hóa, mang tính quốc tế, là công cụ để đánh giá năng lực ĐMST của quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để có đầy đủ dữ liệu phục vụ việc đánh giá cũng như nâng cao năng lực ĐMST, cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số ĐMST cũng như cung cấp dữ liệu liên quan.
Theo báo cáo từ Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, ngày 06/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Nghị quyết đã đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và ĐMST của Việt Nam. Chính phủ đã phân công các bộ, cơ quan cụ thể chủ trì cải thiện các chỉ số ĐMST (trong đó, Bộ KH&CN chủ trì 24 chỉ số).
Đặc biệt, Bộ KH&CN được Chính phủ phân công chủ trì, theo dõi việc cải thiện chỉ số ĐMST của các bộ, cơ quan, địa phương (gồm hướng dẫn các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số ĐMST; tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương; hàng quý và hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện cải thiện các chỉ số ĐMST).
Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ gắn với từng chỉ số ĐMST được phân công.
Năm 2018 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Trong đó, Bộ KH&CN vẫn được giao nhiệm vụ làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số về ĐMST, đồng thời được bổ sung nhiệm vụ chủ trì rà soát, kiến nghị điều phân công cải thiện một số chỉ số ĐMST, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đưa một số chỉ số về ĐMST vào thống kê quốc gia, thực hiện thống kê theo định kỳ.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ phân công, năm 2018 Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động như: phối hợp với chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức hội thảo hướng dẫn, giới thiệu về các điều chỉnh của chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2018 và kết quả của Việt Nam; biên soạn, cập nhật tài liệu Sổ tay Hướng dẫn về chỉ số ĐMST toàn cầu - GII năm 2018 để gửi toàn bộ các UBND và Sở KH&CN tỉnh/thành phố, các bộ, cơ quan và đơn vị liên quan; triển khai hướng dẫn tại nhiều địa phương cũng như hỗ trợ một số Bộ, cơ quan thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, Bộ KH&CN đã liên tục đôn đốc việc thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số ĐMST và báo cáo kết quả hàng quý của các bộ, cơ quan, địa phương. Bộ KH&CN đã tổ chức rà soát phân công chủ trì cải thiện một số chỉ số ĐMST; Đẩy mạnh truyền thông về kết quả xếp hạng chỉ số ĐMST của Việt Nam năm 2018 với nhiều hình thức khác nhau. Bộ cũng đã xây dựng các báo cáo chuyên hàng quý đề tổng hợp kết quả thực hiện và Báo cáo về chỉ số ĐMST của Việt Nam năm 2018 trình Thủ tướng Chính phủ.
Những giải pháp để cải thiện các chỉ số
Cũng theo thông tin từ Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, năm 2017, chỉ số ĐMST của Việt Nam đã tăng hạng khá ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc).
Tới năm 2018, tiếp tục xu hướng cải thiện, chỉ số ĐMST của Việt Nam đã tiếp tục tăng 2 bậc so với năm 2017, xếp hạng thứ 45, là thứ hạng cao nhất từ trước tới nay. So với mức GDP, Việt Nam được đánh giá là thể hiện tốt hơn mức độ phát triển của quốc gia mình.
Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (gồm 30 nước), năm 2018, Việt Nam đứng thứ hai và trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương, Việt Nam đứng thứ 10. Đây là minh chứng cho kết quả của những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, bộ chỉ số ĐMST là công cụ để mỗi quốc gia đánh giá, nhìn nhận năng lực ĐMST cũng như đánh giá tổng thể những đóng góp, yếu tố liên quan đến ĐMST trong phát triển kinh tế xã hội. Do đó, cần sử dụng bộ công cụ này để khắc phục những hạn chế cũng như phát huy thế mạnh về ĐMST của một quốc gia. Việc đưa chỉ số ĐMST thành tiêu chí để triển khai Nghị quyết là cách làm mới của Chính phủ.
“Sau hai năm thực hiện, chúng ta đã có được những kết quả cũng như kinh nghiệm nhất định, sự hiểu biết về các chỉ số ĐMST đến nay đã tương đối rõ. Từ việc thu thập, cập nhật số liệu đến nay, chúng ta đã đưa ra được các phương pháp thống kê số liệu cũng như giải pháp để cải thiện các chỉ số, nhìn nhận được những thế mạnh cũng như hạn chế trong từng lĩnh vực”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các chuyên gia chung tay cùng các cơ quan liên quan đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục giải quyết các vấn đề còn hạn chế (cơ chế chính sách, tuyên truyền,…) góp phần cải thiện các chỉ số ĐMST trong năm 2019; phối hợp cung cấp dữ liệu đầy đủ để sử dụng hiệu quả hơn bộ chỉ số ĐMST nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành, địa phương.
“Tương lai phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu sẽ dựa rất nhiều vào ĐMST, đặc biệt ở Việt Nam, thay cho việc phát triển dựa trên các nguồn tài nguyên đã dần cạn kiệt, nhân lực giá rẻ không còn lợi thế, chỉ còn tri thức và ĐMST là động lực để chúng ta tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng, chỉ số ĐMST là bộ chỉ số được chuẩn hóa rất cao. Hạn chế lớn nhất là sự phối hợp của các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện. Với bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và dữ liệu lớn, nếu không kết nối sẽ rất khó khăn trong việc tích hợp thông tin, dữ liệu. Do đó, các cơ quan liên quan cần tham mưu, đề xuất để Chính phủ có những quy định rõ hơn về sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trong triển khai cải thiện chỉ số ĐMST cũng như trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lí nhà nước khác.