SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hoạt động đo lường đáp ứng yêu cầu quản lý, nhu cầu của doanh nghiệp và người dân

[22/01/2019 08:57]

Sức ép đổi mới, thay đổi công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…, hoạt động đo lường đang đứng trước những thách thức mới.

Lễ kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam được tổ chức ngày 18/1 tại Hà Nội.

Tại Lễ kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam diễn ra ngày 18/1, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Trần Văn Vinh nhấn mạnh, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tếcùng với sức ép về đổi mới, thay đổi công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh… đã tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, tác động tới hoạt động quản lý nhà nước về đo lường, đan xen cả thuận lợi và khó khăn.

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Năm 2018, nhờ sự nỗ lực của toàn ngành từ trung ương đến địa phương, hoạt động đo lường đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế xã hội. Thế nhưng bên cạnh những kết quả đó, thách thức trong lĩnh vực này vẫn còn hiện hữu.

Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết, năm 2018 là một năm công tác đổi mới thể chế, chính sách được tập trung. Với tinh thần tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc tăng cường hoàn thiện thể chế để phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cụ thể chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới hoạt động đo lường như: Quyết định 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đo lường; Nghị định Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ trong đó có Nghị định 105/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (Nghị định 154/2018/NĐ-CP).

Bên cạnh đó hàng loạt các Thông tư, Quyết định, Văn bản hợp nhất về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn; về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; về công bố Bảng mã HS đối với phương tiện đo nhóm 2 phải phê duyệt mẫu thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về đo lường khi nhập khẩu… cũng đã được bổ sung, sửa đổi, ban hành.

Ông Vinh cho biết, trong năm qua, Tổng cục cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thêm 02 chuẩn đo lường quốc gia cho 02 lĩnh vực đo: chuẩn rung động, nguồn chuẩn độ chói.

“Như vậy, hiện nay chúng ta đã nâng tổng số chuẩn đo lường quốc gia được phê duyệt lên tới 27 chuẩn. Đây là cơ sở kỹ thuật, chuẩn cứ quan trọng để bảo đảm tính thống nhất, chính xác của kết quả đo, phương tiện đo trong các lĩnh vực của đời sống xã hội từ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân cho đến phục vụ công tác quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước có liên quan”, ông Vinh chia sẻ.

Đề cập đến việc hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp theo tinh thần của Chính phủ, ông Vinh cho biết, Tổng cục bắt đầu tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị định số 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, theo đó, thủ tục và điều kiện để đăng ký tham gia vào hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được tinh gọn, đơn giản hóa để hỗ trợ doanh nghiệp. Qua theo dõi, nắm bắt đã cho thấy các doanh nghiệp đánh giá cao về tính minh bạch, đơn giản hóa điều kiện, thủ tục và xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh hoạt động đo lường trong những năm tới hướng đến đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Biện pháp tăng cường phát triển hoạt động đo lường

Đứng trước sự biến động của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường, ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói chung và đo lường nói riêng cần phải không ngừng cải tiến và đổi mới, lãnh đạo Tổng Cục TCĐLCL cho rằng, cần tăng cường phát triển hoạt động đo lường trong tất cả các mặt trận. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện các VBQPPL liên quan đến lĩnh vực đo lường.

Trong đó, hoàn thiện, trình ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 996 về đo lường; Đặc biệt lưu ý việc tổ chức, triển khai thực hiện kiểm soát về đo lường đối với các phương tiện đo nhóm 2 mới đưa vào Danh mục liên quan đến bảo đảm, an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, quan trắc, đo đạc bản đồ và bảo vệ môi trường; Trình phê duyệt công nhận mới ít nhất 05 chuẩn đo lường quốc gia đã được đầu tư và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Ông Vinh nhấn mạnh đến việc tăng cường nghiên cứu phương pháp đo, quy trình đo phục vụ hiệu chuẩn thiết bị đo, đặc biệt phương pháp đo tự động ứng dụng cho dây truyền sản xuất thông minh; giải pháp công nghệ về đo lường để tiếp cận cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0.

“Nhận thức đầy đủ và sâu sắc những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 cũng như trách nhiệm to lớn của toàn ngành đo lường trong thời kỳ hội nhập toàn diện về kinh tế với quốc tế, với tinh thần chủ động, chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian sắp tới hoạt động đo lường của Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp và người dân”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh nhấn mạnh.

www.vietq.vn (ntbtra)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ