PTT Vũ Đức Đam 'đặt hàng' Bộ KH&CN thực hiện 5 nhiệm vụ để tăng tốc, bứt phá
Nhấn mạnh phương châm của Chính phủ về một năm 2019 tăng tốc, bứt phá, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KH&CN cần thực hiện trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ KH&CN thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Ảnh: Vietnambiz
Dự Hội nghị triển khai công tác ngành khoa học công nghệ (KH&CN) năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu một vài kết quả nổi bật mà Bộ KH&CN đã đạt được trong năm qua như số lượng công trình công bố khoa học quốc tế ở mức 8.393 tăng so với 6.202 công trình của năm 2010 (tương đương 25%); chỉ số đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng điểm từ thứ 47 lên thứ 45 trên thế giới; hơn 50% doanh nghiệp (DN) đánh giá công tác kiểm tra chuyên ngành, do Bộ KHCN làm đầu mối, có tiến bộ rõ rệt… “Qua đó có thể thấy rằng kết quả đạt được của ngành KHCN là rõ, thực chất”.
Không được “ngủ quên trên chiến thắng”
Tuy nhiên với những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng nhấn mạnh không được quên Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, vẫn thuộc nhóm quốc gia “non trẻ” gồm 58/100 quốc gia, đứng cuối cùng trong 4 nhóm quốc gia về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai theo báocáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Đơn cử trong 8 nhóm tiêu chí đánh giá của WEF có 2 nhóm thuộc về hạ tầng sản xuất truyền thống, 6 nhóm còn lại thuộc về động lực cho nền sản xuất tương lai thì có 2 nhóm liên quan đến KH&CN và nhân lực trình độ cao, Việt Nam đứng thứ 90.
Để cải thiện thứ hạng của các nhóm tiêu chí này, Phó Thủ tướng cho rằng không chỉ liên quan đến ngành KH&CN, công nghệ sản xuất mà cả chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh. Ngay trong nghị quyết 02 của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ KH&CN là đầu mối để hướng dẫn một số tiêu chỉ số về đổi mới sáng tạo, sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai…
“Chúng ta nói KH&CN là quốc sách, là lực lượng sản xuất trực tiếp nhưng còn nhiều chính sách nói chung chưa thực sự coi KH&CN là động lực, chìa khoá quan trọng bậc nhất để Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phát triển nhanh và bền vững”, Phó Thủ tướng nhận xét và nhấn mạnh ý nghĩa hàng đầu của việc nhận thức sâu sắc về vai trò của KH&CN trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay. Đây là trách nhiệm đầu tiên của đội ngũ cán bộ quản lý, những người làm công tác KH&CN.
Doanh nghiệp phải thực sự là trung tâm
Phó Thủ tướng phân tích rõ, nhận thức về tầm quan trọng của KH&CN không chỉ là tiền, là kinh phí đầu tư mà còn là chính sách để giải quyết triệt để những nhiêu khê về thủ tục hành chính, cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học, chấp nhận quan niệm ‘khoa học có rủi ro’.
Hay trong môi trường kinh doanh nếu có chính sách để phân bổ nguồn lực thuận lợi, minh bạch cho những DN, cá nhân sử dụng hiệu quả hơn, các cơ chế về thuế, tài chính đủ mạnh thì DN sẽ thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chú trọng đầu tư vào KH&CN, đào tạo nhân lực.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá việc năm vừa qua có nhiều viện nghiên cứu của DN tư nhân được thành lập là tín hiệu đáng mừng. Tiến tới các nghiên cứu khoa học công bố quốc tế, sở hữu trí tuệ chủ yếu từ khối DN tư nhân; kết nối các viện nghiên cứu của DN tư nhân với các cơ sở nghiên cứu của nhà nước, trong trường đại học một cách bình đẳng, cùng tham gia vào các chương trình nghiên cứu KH&CN.
Cùng với đó, những sản phẩm mang hàm lượng KH&CN cao của DN, chứ không chỉ những sản phẩm được nhà nước hỗ trợ, cần được tạo điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế. Bởi theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “chúng ta có nhiều chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ nhưng về cơ bản vẫn chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các sản phẩm của DN Việt Nam có hàm lượng KH&CN tiếp cận thị trường trong nước và thế giới”.
Bộ KH&CN cần tiếp tục kinh nghiệm những năm trước đây, tăng cường đối thoại với các DN, hiệp hội DN để thống nhất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thúc đẩy hoạt động KH&CN ở địa phương
Trăn trở về hoạt động KH&CN chưa thực sự đi vào chiều sâu ở các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây là một bất cập rất lớn, rất cần khắc phục ngay trong năm 2019.
Trước hết, Sở KH&CN phải tập trung tham mưu cho lãnh đạo, thông tin đầy đủ đến các sở ngành, chính quyền địa phương về những chỉ số mà ngành KH&CN được giao thực hiện, làm đầu mối chủ trì trong Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tránh tình trạng nói chung chung không nắm được cụ thể.
“Các đồng chí không chỉ làm việc của mình mà còn là đầu mối tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền để điều phối với các sở, ngành khác”, Phó Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo các Sở KH&CN tại hội nghị.
Trước thực tế các sở KH&CN không nắm được tình hình ứng dụng KH&CN, công nghệ thông tin của người dân, DN trên địa bàn các tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu thiết lập hệ thống thu thập dữ liệu, đánh giá chính thức về vấn đề này.
“Từ trước đến nay ngành KH&CN chủ yếu nắm thông tin về phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN chứ chưa nắm được trình độ công nghệ trong các DN trên địa bàn. Làm gì cũng phải có dữ liệu mới đánh giá được tình hình để ra chính sách”, Phó Thủ tướng nói.
Đề cập đến việc triển khai đề án hệ tri thức Việt số hoá và lập bản đồ số của Việt Nam, Phó Thủ tướng lưu ý đây là một nhiệm vụ quan trọng mà các sở KHCN cần tích cực tham gia trong thời gian tới. Đây sẽ là nền tảng cơ sở dữ liệu để triển khai các dự án đô thị thông minh, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, cung cấp các dịch vụ về kinh tế, xã hội, văn hoá, giải trí… cho người dân, DN trên địa bàn. “Làm được như vậy sở KH&CN sẽ là đầu mối cho cả tỉnh. Vai trò của mình sẽ lên”, Phó Thủ tướng nói.
Giao Bộ KH&CN thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị toàn ngành KH&CN thực hiện đúng phương châm của Chính phủ, năm 2019 là “tăng tốc, bứt phá”, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu đã đề ra trong các Nghị quyết số 01 và 02 ngày 1-1-2019 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây.
Một là, tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN vào việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước theo chuỗi giá trị. Đưa KH&CN vào phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN, có tỷ trọng giá trị gia tăng cao; có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động xác định sản phẩm hàng hóa trọng điểm và quyết tâm phối hợp triển khai thông qua các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tạo ra sản phẩm có giá trị, mang thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Hai là, tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ sinh thái; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ. Tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân; đồng thời khuyến khích thành lập doanh nghiệp trong các viện nghiên cứu, trường đại học; tăng cường vai trò hỗ trợ của nhà nước trong việc đầu tư khu nghiên cứu sáng tạo; vườn ươm; nâng cấp và có cơ chế thuận lợi để khai thác, đẩy mạnh truyền thông KH&CN; thúc đẩy hình thành nhiêu quỹ đầu tư mạo hiểm đổi mới sáng tạo.
Ba là, Bộ KH&CN tổ chức hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ số Cạnh tranh toàn cầu và chỉ số về mức độ sẵn sàng cho sản xuất 4.0. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng để cao thực chất chất lượng các chỉ số, nhóm chỉ số thành phần làm căn cứ để nâng mức xếp hạng của các chỉ số theo tinh thần Chính phủ đã chỉ đạo tại Nghị quyết 02 năm 2019.
Bốn là, chủ trì tổ chức triển khai mạnh mẽ, toàn diện Đề án Hệ tri thức Việt số hóa; Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các đề án, chương trình trọng điểm; rà soát, chuẩn bị phương pháp đánh giá hiệu quả của các chương trình, nhiệm vụ, đề án KH&CN các cấp giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị căn cứ hình thành hệ thống chương trình KH&CN để triển khai trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động KH&CN. Triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Thực hiện cơ chế, chính sách tôn vinh, trọng dụng nhà khoa học tài năng.