Mở rộng thị trường cho hàng Việt bằng tiêu chuẩn quốc tế
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia TCVN với khoảng 10.500 tiêu chuẩn, mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực đạt 54%, hàng hóa Việt Nam đã đáp ứng chuẩn quốc tế và sẵn sàng cho xuất khẩu.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh, với 54% TCVN hài hòa với Tiêu chuẩn quốc tế các doanh nghiệp trong nước áp dụng tiêu chuẩn sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc đưa sản phẩm hàng hóa ra nước ngoài tiêu thụ.
Sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa, trái xoài là loại quả thứ 6 chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, đây cũng là thị trường xuất khẩu thứ 40 của quả xoài Việt Nam.
Sự kiện trái xoài của Việt Nam được xuất sang Mỹ là tin vui của ngành nông nghiệp nói chung. Để có thể “đặt chân” ở thị trường khó tính này, cần một quá trình rất dài, khoảng 10 năm theo đuổi thực hiện. Để có được thành công này phải nói đến sự kiên trì áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm theo quy trình được phối hợp quản lý có hệ thống từ khâu trồng cho đến đóng thùng, vận chuyển nhằm bảo đảm trái đạt chất lượng và không còn tồn dư chất bảo vệ thực vật.
Theo yêu cầu từ phía Mỹ, xoài muốn được xuất khẩu sang thị trường này phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe như điều kiện nhà vườn, đóng gói, xử lý chiếu xạ, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nhập.
“Để vào được thị trường này trái cây của Việt Nam phải vượt qua rất nhiều hàng rào kỹ thuật, trong đó có những tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe. Thế nhưng việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho hàng hóa của Việt Nam dù đang rất thuận lợi nhưng vẫn còn những rào cản trước mắt cần tháo gỡ”, bà Nguyễn Kim Thanh - chuyên gia Chuỗi an toàn thực phẩm chia sẻ.
Bàn về tiêu chuẩn quốc tế đối với hàng hóa trong nước, bà Nguyễn Kim Thanh khẳng định, đánh giá trên thực tế cho thấy, nông dân cùng doanh nghiệp đang đi được khoảng 30% chặng đường. Khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nhận thức được sản phẩm theo chuẩn quốc tế sẽ nâng tầm giá trị nhưng việc thực hiện không đơn giản.
Theo ông Nguyễn Công Luận - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần rau quả thực phẩm Antesco, nói về LocalG.A.P (tiêu chuẩn quốc tế) người nông dân cảm thấy xa lạ mà chỉ quen với VietGap - tiêu chuẩn chỉ gói gọn trong thị trường Việt Nam. Nông dân đã và đang nỗ lực rất nhiều, song LocalG.A.P mới là thứ cần hướng tới.
Theo thống kê, những năm gần đây có 84% tổ chức thương mại áp dụng tiêu chuẩn trong hoạt động xuất khẩu. 80% lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của các tiêu chuẩn. Đánh giá cao tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, rất nhiều sản phẩm trong nước chưa đạt yêu cầu về chất lượng đối với người tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính.
Doanh nghiệp Việt cần sản xuất sản phẩm theo chuẩn quốc tế để đi nhanh hơn, xa hơn, dễ dàng hội nhập hơn. Hàng hóa có tiêu chuẩn tốt giúp phát triển thị trường, gia tăng lợi nhuận. Doanh nghiệp nên cố gắng khắc phục khó khăn hướng đến áp dụng thành công các chuẩn quốc tế cho sản phẩm.
Liên quan đến quá trình áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp và nông dân mong muốn Nhà nước cùng tham gia. Đề cập đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thông tin, hiện có hơn 1 triệu tiêu chuẩn đã được xây dựng và áp dụng trên toàn thế giới. Thời gian qua, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời đã tham gia 14 tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế.
“Tiêu chuẩn quốc tế từng bước khẳng định lòng tin trên thị trường tiêu dùng, mang lại lợi ích cho khách hàng, nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Chắc chắn Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp áp dụng tốt chuẩn quốc tế, tuy nhiên Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, phần quyết định vẫn thuộc về doanh nghiệp. Sắp tới sẽ xem xét xem doanh nghiệp cần gì vì có nhiều tiêu chuẩn nên rất khó thực hiện chứ không đơn giản” – ông Nguyễn Hoàng Linh lưu ý.
Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng cho biết, hiện nay, 54% các TCVN đã hài hòa tiêu chuẩn quốc tế. Theo Quyết định số 1041/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” thuộc Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, phấn đấu đến năm 2020, hệ thống TCVN sẽ đạt được tỷ lệ 60% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước áp dụng tiêu chuẩn sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc đưa sản phẩm hàng hóa ra nước ngoài tiêu thụ.
Song song với việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Linh cũng lưu ý doanh nghiệp cần tăng cường đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại nhằm giảm chi phí đầu vào, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.