SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Đừng để... 'hòa cả làng'!

[25/03/2019 13:53]

Mặc dù Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đã ra đời nhiều năm và được tuyên truyền rộng rãi, nhưng tình trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn đang xảy ra phổ biến và ngày càng phức tạp hơn.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra chất lượng hàng hóa. 

Người tiêu dùng vẫn ngại khiếu nại

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, tính đến nay đã gần 9 năm, nhưng không ít NTD vẫn bị xâm phạm quyền lợi do chưa nhận biết đầy đủ được quyền lợi của mình khi đi mua sắm và quyền lợi chính đáng đó được pháp luật bảo vệ. Còn nhiều NTD chưa biết nếu bị xâm phạm quyền lợi thì khiếu nại ở đâu.

Tình trạng vi phạm quyền lợi NTD ngày càng phức tạp, nhất là hiện nay, khi mua bán hàng qua mạng internet trở nên phổ biến. Nhiều người hào hứng mua hàng trên mạng đã bị sốc khi nhận được sản phẩm. Tuy nhiên, phần lớn NTD vẫn ngại khiếu nại. Cụ thể, có tới trên 40% số người được hỏi chọn phương án im lặng và bỏ qua vụ việc.

Chị Nguyễn Việt Hoa (phố Đào Duy Anh, Hà Nội) cho biết, chị mua một cái nồi nướng qua mạng xã hội facebook. Tuy nhiên, khi nhận được sản phẩm thì khác xa so với hình ảnh và công dụng được quảng cáo trên mạng. Liên lạc với người bán thì nhận được lời hứa hẹn đổi trả, rồi biệt tăm không liên lạc được. Rất bức xúc với thái độ bán hàng nhưng chị Hoa cũng ngại không muốn khiếu nại, hay làm to chuyện.

Không chỉ là đồ dùng, quần áo, mà cả thực phẩm, bánh trái cũng khiến nhiều người tiêu dùng mắc phải cảnh dở khóc dở cười do mua phải đồ quá đát, thậm chí bị hỏng để làm quà tặng. Như trường hợp chị Nguyễn Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) mua bánh gato ở cửa hàng một công ty khá tên tuổi trong làng bánh kẹo, làm quà tặng sinh nhật. Mở bánh ra, bên ngoài rất đẹp, nhưng khi cắt bánh thì bên trong bị mốc xanh, bốc mùi khó chịu. Liên hệ với cửa hàng thì chỉ nhận được lời giải thích do tủ bảo quản bánh không đảm bảo nên dẫn đến bị mốc. Và thế là lại “hòa cả làng”.

Đây chỉ là một vài trong muôn vàn câu chuyện khi mua hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo mà vẫn bỏ qua. Phần lớn NTD có tâm lý ngại va chạm, nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Cũng có trường hợp, NTD đã khiếu nại song việc giải quyết không thành công, do không còn đủ chứng cứ quyền lợi bị xâm hại.

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trước thực trạng quyền lợi cơ bản của NTD vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, an toàn và tính mạng của NTD, ngày 30/1/2019, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị về bảo vệ quyền lợi của NTD, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của NTD. Theo đó, bảo vệ quyền lợi NTD là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thực tế, ngay từ khi Luật bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực, các bộ ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc. Hàng năm, Bộ Công Thương đều có kế hoạch triển khai Ngày Quyền của NTD (15/3) nhằm tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của NTD để tạo cho NTD chủ động và ý thức tự bảo vệ bản thân.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm nay là năm thứ 9 liên tiếp, Hà Nội tổ chức chương trình "Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, việc triển khai các chương trình về "Ngày Quyền của NTD Việt Nam" chính là giải pháp hữu hiệu nhằm tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của NTD, tạo cho NTD ý thức chủ động bảo vệ bản thân khi đi mua sắm. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành hàng tham gia tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD, tri ân NTD tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm.

Nâng cao ý thức chủ động tự bảo vệ của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch hàng hóa. 

Hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm nay, Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động thiết thực như tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật nhằm đưa Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đi sâu vào đời sống, giúp NTD không chỉ nắm chắc được 8 quyền mà còn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng khi tham gia mua sắm hàng hóa; đặc biệt là học sinh các trường Trung học phổ thông, lớp NTD tương lai đang dần hình thành ý thức trong các hoạt động mua sắm - ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, trong năm 2017 và 2018, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý hàng ngàn khiếu nại, yêu cầu của NTD liên quan đến các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi NTD. Trong đó, riêng tổng đài tư vấn hỗ trợ NTD đã ghi nhận có hơn 6.000 cuộc gọi đến, trong có đến 30% cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi NTD.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, NTD nên tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua sắm hàng hóa để có thể dễ dàng khiếu nại nếu gặp trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng lưu ý cần tập trung thực hiện các hoạt động bảo vệ NTD trong các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội…

www.vietq.vn (ntbtra)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ