SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Viện lúa ĐBSCL: Nhiều giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu

[04/11/2011 12:59]

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong ba vùng bị thiệt hại nặng nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu (BĐKH). Để hạn chế thiệt hại do BĐKH, Viện lúa ĐBSCL đã đưa ra một số loại giống lúa có khả năng thích nghi với những biến đổi thất thường của khí hậu.

Tạo nhiều giống lúa “ứng phó”

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, vựa lúa số 1 của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi dự báo nếu mực nước biển dâng 1m thì 70% diện tích vùng ĐBSCL sẽ bị ngập, khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa bị mất,  kéo theo khoảng 4,7 triệu người dân chịu ảnh hưởng.

Trước thực trạng này, TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu tạo ra nhiều giống lúa có thể chống chịu được với độ mặn và khô hạn trong ruộng đồng. Những giống lúa này được tập hợp nguồn gene từ các vùng hay bị hạn hán như ở Tây Bắc, Tây Nguyên để làm vật lai tạo. Sau khi đưa vào trồng thử nghiệm, giống lúa này phát triển tốt trong môi trường có độ mặn cao, đem lại năng suất cao. Ngoài ra, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu thử nghiệm giống lúa chịu úng ngập, có khả năng chống đỡ lụt lội”. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2009 đến nay, Viện lúa ĐBSCL đã nghiên cứu được khoảng hơn 30 dòng lúa có triển vọng chịu mặn tốt.

Theo TS Phạm Trung Nghĩa - Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, Viện lúa ĐBSCL, trong nghiên cứu, ngoài việc chọn tạo giống lúa chịu mặn, Viện còn quan tâm đến các biện pháp kĩ thuật liên quan đến canh tác lúa như sử dụng phân bón giàu khoáng vi lượng, chế phấm sinh học, hoá chất cải tạo đất, kĩ thuật tưới tiêu,…

Ngoài tính chịu mặn, giống lúa mới cần phải có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng bệnh, thích nghi với điều kiện tự nhiên thì bà con nông dân mới ưa thích, gieo trồng trong sản xuất.

Hiện các nhà khoa học của Viện lúa ĐBSCL đã xác định được 31 giống lúa có khả năng chống chụi khô hạn và 14 giống lúa mẹ có khả năng kháng mặn tốt. Qua kết quả đánh giá, các giống lúa thích nghi với biến đổi khí hậu tiêu biểu như: OM8923, OM6162, OM4218,  OM6377, OM5629,  OM6677,  OM5464, OM6976,…Các giống OM5464, OM 5166, OM 5629, OM 6677 có khả năng chịu được độ mặn 3 – 4 phần ngàn. Riêng giống lúa IR 64 Subon 1 đang được thí nghiệm cho thấy có khả năng thích ứng với độ mặn 5 - 6 phần ngàn ngập úng trong khoảng 21 ngày.

Một số dòng lúa chịu mặn mới như: OM7347, OM9915, OM9921 và OM9916 có tính chịu mặn khá tốt, gạo có mùi thơm đậm, cơm ngon, đang được khảo nghiệm và nhân rộng tại một số trung tâm giống các tỉnh như: Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre và Trà Vinh.

Đặc biệt TS. Lê Văn Bảnh cho biết, riêng giống lúa OM 6162 đã được công nhận là giống lúa chống chịu khô hạn. Đây là một trong những giống lúa mà Viện tập trung nghiên cứu, chọn lọc nhằm sản xuất ra những giống lúa có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu như khô hạn, ngập úng, nhiễm mặn,…

Đẩy mạnh nghiên cứu

Hiện nay ở ĐBSCL vẫn thiếu các giống lúa năng suất và chất lượng cao, thích nghi với đặc thù từng tiểu vùng của ĐBSCL như: phèn, mặn, phù sa nước ngọt,… Bên cạnh đó, nông dân sản xuất lúa gặp rất nhiều rủi ro do sâu bệnh, thời tiết, lũ lụt, và đặc biệt là thị trường tiêu thụ, mặt bằng về trình độ sản xuất, kỹ năng và kỹ thuật thấp, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thiếu tổ chức.

Việc sản xuất một số giống lúa thích nghi với biến đổi khí hậu là một trong những thành công bước đầu của các nhà khoa học Viện lúa ĐBSCL. Thành công này đã mang lại nhiều triển vọng cho người nông dân, nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của nền sản xuất nông nghiệp ở lưu vực sông Tiền, sông Hậu trong việc đối phó với tình trạng đất trồng lúa hiện đang suy giảm cả về diện tích, độ phì nhiêu và biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu để chọn ra những giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL hiện đang là vấn đề cấp bách đòi hỏi các cơ quan nghiên cứu lớn phải vào cuộc và một cơ chế chính sách phù hợp để tránh ỷ lại từ nguồn đầu tư ngân sách.

GS - TS Nguyễn Văn Bộ- Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt nam cho biết thêm: Để tăng cường kinh phí cho nghiên cứu giống lúa, tránh ỷ lại từ nguồn ngân sách, Nhà nước nên nghiên cứu việc cho trích từ xuất khẩu gạo để bổ sung cho kinh phí nghiên cứu. Nếu trích 1 USD/tấn gạo xuất khẩu thì hằng năm chúng ta đã có thêm từ 4,5-5 triệu USD cho công tác tạo giống mới.

Đặc biệt để đẩy mạnh sản xuất lúa lai trong nước thì Nhà nước cần phải có cơ chế hỗ trợ kịp thời cho nông dân về đầu tư, khoa học công nghệ, trợ giá,…Bởi hàng trăm diện tích sản xuất lúa lai của nước ta mới chỉ đạt 600 – 700 ha. Dẫu còn tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, song việc sản xuất thành công một số giống lúa chất lượng cao như OM 6162, OM 4900, OM 4088, OM 4059, OM 5472...ở Tiền Giang trong vụ Đông – xuân 2009 – 2010 đã mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế mỗi đơn vị canh tác, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Bên canh đó cần nghiên cứu và phát triển giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong khi đất trồng lúa suy giảm cả về diện tích và độ phì, bảo đảm sản xuất bền vững, an ninh lương thực quốc gia cho 100 triệu người vào năm 2020; cung cấp đủ lương thực cho chăn nuôi và xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn gạo/năm, là thách thức không chỉ đối với người nông dân, với ngành NN-PTNT mà còn với cả những nhà khoa học nghiên cứu về giống lúa những năm sắp tới.

truyenthongkhoahoc.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ