Việt Nam – Liên Bang Nga đẩy mạnh hợp tác về giáo dục, công nghệ và khoa học
“Hợp tác Nga - Việt Nam về giáo dục, công nghệ và khoa học là thúc đẩy sự phát triển tích cực của nền kinh tế”, ông Medvedev Aleksei Mikhailovich, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học, Chủ tịch Phân ban Liên Bang Nga chia sẻ.
Toàn cảnh khóa họp lần thứ 2 Uỷ ban hợp tác về GD-KH-CN Việt Nam - Liên Bang Nga.
Chia sẻ tại Chương trình Khóa họp lần thứ II, Ủy ban hợp tác về giáo dục, khoa học và công nghệViệt Nam - Liên Bang Nga (29/5), ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Phân ban Việt Nam cho biết, trước khi luật về khoa học công nghệ ra đời thì nguồn ngân sách đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu vào trường học, viện nghiên cứu.
Năm 2014, khi Luật Khoa học công nghệ năm 2013 có hiệu lực thì các cơ quan nhà nước, tổ chức tư nhân, cá nhân có quyền bình đằng trong việc tiếp nhận ngân sách nhà nước. Đây là điểm nhấn trong việc đổi mới chính sách của Việt Nam.
“Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ ủy quyền xây dựng chương trình khoa học công nghệ quốc gia. Trong đó có nhiều chương trình quan trọng như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia - những sản phẩm có quy mô lớn, hỗ trợ phát triển mang tính đột phá. Chương trình thứ hai là đổi mới công nghệ quốc gia, hỗ trợ cho các vấn đề đổi mới công nghệ. Chương trình thứ ba là phát triển công nghệ quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức phát triển. Ngoài ra, còn có chương trình sở hữu trí tuệ; chương trình nâng cao năng suất chất lượng quốc gia”, Thứ trưởng nói.
Ông Medvedev Aleksei Mikhailovich, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học, Chủ tịch Phân ban Liên Bang Nga chia sẻ, giáo dục là sân chơi quan trọng, là môi trường hợp tác để Nga phát triển. Việc hợp tác Nga – Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục – công nghệ là một trong những hoạt động thúc đẩy sự phát triển tích cực của nền kinh tế. Thay mặt Bộ Giáo dục – Đại học Nga, ông Mikhailovich chúc mừng sự hợp tác ngoại giao giữa hai nước. Đồng thời, chuyến thăm này thể hiện vấn đề quan trọng nhất, cập nhật nhất, thúc đẩy nhất sự phát triển giáo dục, công nghệ trong tương lai.
Thứ trưởng cho rằng, Nga kỳ vọng năm 2024 lọt vào top 5 nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Để đạt được mục đích này, Nga sẽ thực hiện theo 3 nguyên tắc chính: Hội nhập khoa học, giáo dục và công nghệ; hiện đại hóa quản lý khoa học, giáo dục và công nghệ; tham gia sâu rộng vào các hoạt động công nghệ tại các địa phương. Đáng chú ý, ưu tiên hợp tác doanh nghiệp, tổ chức giáo dục về khoa học; đưa công nghệ, dịch vụ và sản phẩm ra thị trường nhanh chóng.
Ông Medvedev Aleksei Mikhailovich, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học, Chủ tịch Phân ban Liên Bang Nga.
Ông Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, năm 1985, Việt Nam bắt đầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế; chuyển đổi kinh tế, phát triển giáo dục khoa học và công nghệ. Thành tựu tương đối lớn. Sau hàng chục năm, GDP của Việt Nam bình quân khoảng 7,8%, riêng năm 2018 đạt 7,08%.
Những lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội lúc đầu về lao động phổ thông, khoáng sản, tài nguyên của đất nước; những gò bó về chính sách đã được cởi bỏ. Nói như Thủ tướng Chính phủ thì dư địa không còn nhiều. Hiện nay, GDP bình quân đầu người khoảng 2.500 USD; tổng GDP của cả nước khoảng 240 tỷ USD.
“Chính phủ Việt Nam có chính sách ưu tiên cho giáo dục, khoa học công nghệ. Tổng chi cho khoa học công nghệ khoảng 0,44% GDP. So với các nước phát triển như Nga thì đây là con số rất nhỏ. Chúng tôi mong rằng, số tiền đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ ngày càng lớn”, ông Bình nhấn mạnh.
Trong những năm gần đây, về phát triển khoa học công nghệ, nhà nước đã có sự thay đổi về chính sách. Soạn thảo các văn bản pháp quy về luật: Ví dụ Luật Khoa học công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển khoa học công nghệ.
Cùng với đó, Việt Nam cũng học theo các nước phát triển thành lập một số trung tâm như: các phòng thí nghiệp trọng điểm, các khu công nghệ cao, khu phần mềm ở các tỉnh, thành phố… Ông Bình cho biết, thời gian gần đây Việt Nam thành lập 2 quỹ, gồm: quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia và quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Ngoài ra, chúng tôi thành lập một loạt chương trình quốc gia về phát triển công nghệ. Những mô hình này được tham khảo ở các nước.
Việc đầu tư cho khoa học công nghệ là bắt buộc để phát triển kinh tế. Hiện nay, tỷ lệ người nghiên cứu/tổng số phát minh khoảng 7000 người. Việc đầu tư cho công tác nghiên cứu thời gian gần đây có sự thay đổi về cơ cấu.
Trước đây, việc đầu tư nghiên cứu hoàn toàn từ ngân sách nhà nước, khoảng 0,44% GDP. Hiện tại, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, thành lập các viện nghiên cứu. Tỷ lệ hiện giờ khoảng 50% vốn đầu tư từ khối doanh nghiệp, 50% từ nhà nước.
Ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển khoa học khoảng 1 tỷ USD/năm. Kinh tế tư nhân, doanh nghiệp cũng khoảng 1 tỷ USD. Năm 2018, chỉ số đổi mới sáng tạo Việt Nam đứng thứ 45, tăng 2 bậc so với 2017. Những công bố về khoa học trên các tạp chí quốc tế tăng đột biến trong những năm gần đây. Ví dụ, 2018 khoảng 8.500 bài báo quốc tế, tăng 40% so với 2017. Nếu so với 2014, số bài báo đăng trên tạp chí quốc tế tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, so sánh với các nước phát triển như Nga thì con số này còn nhỏ.
Gần đây, Việt Nam phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Chính phủ đã có chủ trương chung thực hiện vấn đề này. Việt Nam sẽ thành lập 3 trung tâm đổi mới sáng tạo lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp thực hiện, triển khai.
Trong 30 năm đổi mới, văn bản pháp quy của Việt Nam được xây dựng tương đối ổn. Kinh tế Việt Nam hòa nhập với kinh tế thế giới lớn hơn. GDP hiện là 240 tỷ USD/năm; tổng xuất nhập khẩu Việt Nam tăng gấp đôi. Việt Nam tham gia CPTPP, FTA với các nước và khu vực. Do đó, những vấn đề về văn bản pháp quy buộc phải thay đổi để phù hợp với hội nhập quốc tế.