Ảnh hưởng của việc xử lí đường sucrose, GA3 và một số hóa chất đến chất lượng và thời gian cắm bình hoa huệ trắng (Polianthes tuberosa L.) cắt cành
Nghiên cứu do các tác giả: Phạm Thị Phương Thảo, Lê Văn Hòa - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ và Nguyễn Thị Hồng Nhung - Sinh viên lớp Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan khóa 39 thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Hoa huệ (Polianthes tuberosa L.) có nguồn gốc từ Mexico, là loại hoa được trồng khá phổ biến ở nước ta, đặc biệt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và được sử dụng nhiều trong các dịp lễ, Tết trong đời sống thường nhật như để trang trí, kết thành vòng hoa, lấy tinh dầu và làm thức ăn... Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ hoa huệ trên thị trường là rất lớn (Trần Hợp, 2000). Hoa huệ được tiêu thụ chủ yếu ở dạng hoa cắt cành, tuy nhiên, cành dễ bị mất nước và mau rụng hoa nên mất giá trị cảm quan rất nhanh nếu như không được bảo quản kỹ (Anjum et al., 2001; Jowkar and Salehi, 2005; Đào Thanh Vân và Đặng Thị Tố Nga, 2007). Theo Waithaka et al. (2001), 50% hoa huệ trắng trên phát hoa không nở và tỉ lệ rụng cao chỉ vài ngày sau khi thu hoạch, chủ yếu là do tác động của ethylen và sự thiếu hụt dinh dưỡng khi cành hoa bị tách rời khỏi cây mẹ, vì thế việc tìm ra dung dịch bảo quản nhằm hạn chế sự héo, rụng và gia tăng tỉ lệ nở hoa đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống cắm bình của hoa huệ trắng (Jowkar and Salehi, 2005). Nhiều nghiên cứu cho thấy, biện pháp canh tác và thời điểm thu hoạch có ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian tồn trữ hoa huệ trắng cắt cành (Su et al., 2001; Pun et al., 2005; Singh and Shankar, 2011). Một số hóa chất như cytokinin, gibberellic acid (GA3), đường sucrose, ethanol và thiosulphate bạc có ảnh hưởng lên đặc tính sinh lý sau thu hoạch của hoa huệ cắt cành (Hutchinson et al., 2003; Muhammad et al., 2011). Các hóa chất như 8-HQS, AgNO3 và một số hóa chất kháng khuẩn có tính chất acid cũng có hiệu quả kéo dài đời sống cắm bình hoa huệ (Jowkar and Salehi, 2005; Mahroo et al., 2009; Hassan et al., 2011). Ở Việt Nam, việc nghiên cứu duy trì đời sống cắm bình của hoa cắt cành đã trở thành một lĩnh vực mới nhưng vẫn còn nhiều hạn chế (Nguyễn Mạnh Khải et al., 2006; Lê Văn Hòa et al., 2015) và chưa có nhiều nghiên cứu tại Việt Nam. Chính vì vậy, nghiên cứu “Ảnh hưởng của xử lí sơ bộ và một số hóa chất đến chất lượng và thời gian cắm bình hoa huệ trắng (Polianthes tuberosa L.) cắt cành” được thực hiện với mục tiêu: xác định biện pháp xử lí sau khi thu hoạch kết hợp dung dịch bảo quản thích hợp đến chất lượng và thời gian cắm bình của hoa huệ trắng.
Hai thí nghiệm được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của việc xử lí đường sucrose 10% trong vòng 24 giờ hoặc kết hợp với việc phun GA3 5 ppm trên cành hoa trước khi bổ sung vào một số loại hóa chất khác nhau, nhằm kéo dài thời gian cắm bình và chất lượng sau thu hoạch của hoa huệ trắng. Kết quả thí nghiệm cho thấy, việc xử lí cành hoa với dung dịch đường 10% trong 24 giờ trước khi cắm vào dung dịch có chứa 3% đường kết hợp với aspirin 100 ppm đã duy trì chất lượng hoa được 14 ngày sau khi thu hoạch so với 9 ngày ở nghiệm thức đối chứng, cành hoa còn chất lượng tốt, tỉ lệ hoa héo, rụng thấp. Quá trình xử lí sơ bộ với dung dịch đường 10% trong 24 giờ kết hợp với việc phun GA3 5 ppm trước khi cắm vào dung dịch có chứa 3% đường và aspirin 100 ppm hoặc GA3 5 mg/L đã giúp duy trì chất lượng (hơn 14 và 15 ngày) so với đối chứng (chỉ 9,8 ngày), đồng thời các nghiệm thức này còn có tỉ lệ hoa héo và rụng thấp, tăng chiều dài cành và có tỉ lệ hoa nở cao. GA3 5 ppm được phun sẽ giúp gia tăng tỉ lệ hoa nở trên phát hoa.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Nông nghiệp (lntrang)