Đa dạng thực vật lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) ở Khu di tích Xẻo Quýt, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Nghiên cứu do các tác giả Phạm Thị Thanh Mai - Khoa Sư phạm Lý - Hóa - Sinh, Trường Đại học Đồng Tháp thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Khu di tích Xẻo Quýt thuộc hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, có tổng diện tích tự nhiên 43,17 ha, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1992.
Ngoài chức năng phát huy giá trị lịch sử - một căn cứ địa cách mạng (từ năm 1960 - 1975) của cơ quan Tỉnh ủy Đồng Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt còn có giá trị về văn hóa - là nơi gìn giữ và tái hiện các truyền thống văn hóa của người dân vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời cũng mang giá trị về du lịch sinh thái, khoa học, nguồn tài nguyên thiên nhiên...
Khu di tích Xẻo Quýt là vùng đất thấp trũng, ngập nước sâu vào mùa mưa lũ, nhiễm phèn nặng vào mùa khô, có hệ sinh thái đất ngập nước nội địa đặc trưng với hệ rừng kín lá rộng thường xanh và là một trong các địa điểm quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước của tỉnh Đồng Tháp.
Trong những năm qua, địa danh Xẻo Quýt đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước với cảnh quan đất ngập nước đặc sắc và sự đi lại thuận tiện, nơi đây không những thu hút khách thập phương đến du lịch sinh thái, tham quan về nguồn… mà còn là địa chỉ được nhiều nhà khoa học đến học tập, nghiên cứu tôn tạo, bảo tồn và phát triển Khu di tích này.
Theo kết quả điều tra năm 1999 của Phân Viện Điều tra quy hoạch Rừng II, Khu di tích Xẻo Quýt có 170 loài thực vật, trong đó có 104 loài thực vật lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) nhưng nghiên cứu chưa thực hiện đánh giá sự đa dạng về các bậc taxon, giá trị sử dụng, nguồn gen quý hiếm, thực vật ngoại lai… ở Khu di tích này.
Những năm gần đây, những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái đất ngập nước, làm thay đổi thành phần hệ thực vật nơi đây. Do đó, nghiên cứu “Đa dạng thực vật lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) ở Khu di tích Xẻo Quýt, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp” nhằm bổ sung danh lục thành phần loài, góp phần trong công tác khai thác bền vững, bảo tồn nguồn tài nguyên thực vật của địa phương, cũng như duy trì và cân bằng khí hậu vùng.
Qua quá trình nghiên cứu đã thu mẫu tại 40 ô tiêu chuẩn trên 10 sinh cảnh điển hình; định loại và sắp xếp chúng vào hệ thống phân loại; phân tích, đánh giá sự đa dạng về thành phần loài và dạng thân các loài thực vật. Kết quả nghiên cứu ghi nhận được 264 loài thực vật lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) thuộc 176 chi, 65 họ, 37 bộ và 7 phân lớp. Trong đó, phân lớp Hoa hồng (Rosidae) là đa dạng nhất và chiếm ưu thế nhất với 69 loài, họ Đậu (Fabaceae) có 24 loài. Hệ thực vật nơi đây có 5 dạng thân chính: Cây thân gỗ, cây thân thảo, cây thân bụi, dây leo và cây ký sinh, trong đó, dạng cây thân thảo chiếm ưu thế với 122 loài. Giá trị sử dụng của thực vật được chia làm 10 nhóm chính, trong đó có 105 loài cây làm cảnh và 94 loài cây làm thuốc. Khu di tích có 2 loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng là Cà na (Elaeocarpus hygrophilus Kurz) cấp VU - Sẽ nguy cấp, Mù u (Callophyllum inophyllum L.) cấp LR - Ít nguy cấp và có 6 loài thực vật ngoại lai xâm hại là Mai dương (Mimosa pigra L.), Trinh nữ móc (Mimosa diplotricha C. Wright ex Sauvalle), Trâm ổi (Lantana camara L.), Cỏ lào (Chromolaena odorata (L.) R. King et H. Robins), Cỏ hôi (Ageratum conyzoides L.) và Cúc xuyến chi (Wedelia trilobata (L.) Hitch). Cũng trong nghiên cứu này, 160 loài thực vật lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) được bổ sung vào Danh lục các loài thực vật Khu di tích Xẻo Quýt.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Nông nghiệp (lntrang)