Khảo sát đặc tính và sự ổn định của dầu hạt thanh long (Hylocereus spp.) ở các điều kiện bảo quản khác nhau
Nghiên cứu do các tác giả: Phan Thị Thanh Quế, Nguyễn Thị Thu Thủy và Tống Thị Ánh Ngọc - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng Dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Thanh long (Hylocereus spp.) là loại cây ăn quả thuộc họ xương rồng thường được trồng ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới bao gồm các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam (Nur’Aliaa et al., 2010). Ở Việt Nam, hai loại thanh long được trồng thương phẩm đó là thanh long ruột trắng (Hylocereus undatus) và thanh long ruột đỏ (Hylocereus polyrhyzus). Quả thanh long có hình dạng đặc biệt và chứa nhiều thành phần dinh dưỡng rất có lợi cho sức khỏe con người như tốt cho tim mạch, có khả năng làm giảm cholesterol, cao huyết áp, kiểm soát đường huyết, ung thư, khử chất độc như kim loại nặng, chống viêm khớp, hen suyễn và giúp giảm cân (Liaotrakoon, 2013). Ngoài việc sử dụng để ăn tươi, các sản phẩm chế biến từ trái thanh long đã được nghiên cứu sản xuất bao gồm nước ép, nước uống lên men, rượu vang, mứt đông, kem, siro và kẹo nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh lượng purê sử dụng, một lượng lớn các thành phần phụ phẩm là vỏ và hạt sẽ thải ra. Do vậy, những phụ phẩm này nếu được xử lý và tận dụng sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời làm tăng giá trị kinh tế cho quả thanh long (Liaotrakoon, 2013).
Hạt thanh long có chứa hàm lượng dầu khá cao (32-34%). Dầu hạt thanh long có chứa lượng lớn acid béo thiết yếu, thậm chí cao hơn cả lượng acid béo trong dầu ô liu (Gurdeniz et al., 2010; Krichene et al., 2010) và dầu mè (Elleuch et al., 2007). Đặc biệt, acid linoleic (C18:2) chiếm 45-55% và acid oleic (C18:1) chiếm 18-24% (Liaotrakoon, 2013). Acid linoleic có tác dụng chống ung thư tuyến tiền liệt, phòng tránh béo phì, chống lão hóa, chống tia tử ngoại và cải thiện sưng viêm. Acid oleic có tác dụng giảm huyết áp, cấu thành myelin trong hệ thần kinh, tốt cho hệ tiêu hóa (Ruiz-Rodriguez et al., 2010). Bên cạnh đó, dịch trích dầu từ hạt thanh long có chứa lượng đáng kể hợp chất tocopherol (Liaotrakoon, 2013). Tocopherol được xem như là một chất chống oxy hoá tự nhiên, có thể được tìm thấy trong hầu hết các thực phẩm có nguồn gốc thực vật dưới các dạng cấu trúc khác nhau, phổ biến là dạng α- và γ-tocopherol (Yoshida et al., 2003). Trong đó, α-tocopherol là chất chống oxy hoá tốt nhất trong cơ thể người và nó cũng là một hợp chất hữu cơ sinh học rất có lợi ích cho sức khoẻ như giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành (Lemcke-Norojarvi et al., 2001). γ-tocopherol có những tác động tích cực đến sức khoẻ như tính chống viêm và giảm nguy cơ bệnh tim mạch và ung thư (Jiang et al., 2001).
Dầu hạt thanh long là nguồn cung cấp nhiều hợp chất chức năng rất tốt đối với sức khỏe. Thành phần đặc tính của dầu (đặc biệt là thành phần acid béo), lượng chất chống oxy hoá tự nhiên (tocopherol) và điều kiện bảo quản (nghĩa là nhiệt độ, ánh sáng và oxy) có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dầu trong quá trình bảo quản. Hơn nữa, quá trình oxi hóa các acid béo chưa bão hòa, đặc biệt là các acid béo chưa bão hòa đa nối đôi, là nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng và sự ổn định của dầu, ảnh hưởng đến giá trị cảm quan, các hợp chất chức năng và giá trị dinh dưỡng của dầu và các sản phẩm dầu (Silva et al., 2010). Ở Việt Nam, nghiên cứu tận phụ phẩm hạt thanh long để chiết xuất dầu hạt thanh long, cũng như nghiên cứu xác định thành phần dầu hạt thanh long, các đặc tính của dầu hạt thanh long và sự ổn định của dầu trong thời gian bảo quản chưa được quan tâm. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định thành phần đặc tính của dầu hạt thanh long được trích ly từ hai giống thanh long khác nhau: dầu hạt thanh long ruột trắng (Hylocereus undatus) và dầu hạt thanh long ruột đỏ (Hylocereus polyrhizus). Bên cạnh đó, ảnh hưởng của nhiệt độ bảo quản (nhiệt độ lạnh và nhiệt độ phòng), loại bao bì (thủy tinh nâu và thủy tinh trong) và điều kiện bảo quản (sáng và tối) đến sự ổn định của đầu hạt thanh long theo thời gian bảo bảo quản cũng được thực hiện.
Dầu được trích ly từ hạt thanh long ruột trắng và hạt thanh long ruột đỏ trong dung môi ete dầu hỏa. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của các điều kiện bảo quản [trong chai thủy tinh màu nâu hoặc chai thủy tinh trong, bảo quản ở nhiệt độ phòng (30±2oC) hoặc nhiệt độ lạnh (5oC)] đến sự ổn định của dầu hạt thanh long cũng được theo dõi sau 3 tháng bảo quản. Kết quả cho thấy hạt thanh long có chứa hàm lượng dầu cao (31,3% đối với hạt thanh long ruột đỏ và 33,9% đối với hạt thanh long ruột trắng, tính theo căn bản khô). Acid béo chủ yếu trong cả hai dầu hạt thanh long là acid linoleic (C18:2). Hàm lượng vitamin E trong dầu hạt thanh long ruột đỏ cao hơn dầu hạt thanh long ruột trắng (391,3 mg/kg so với 323 mg/kg). Như vậy, dầu hạt thanh long được xem là thành phần có giá trị dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó, sau 3 tháng bảo quản, chỉ số peroxide của cả hai loại dầu chứa trong chai thủy tinh trong, bảo quản ở nhiệt độ phòng cao hơn 3,1 lần so với mẫu dầu chứa trong chai thủy tinh màu nâu, bảo quản ở nhiệt độ lạnh (5oC) (33,5 mEq mequiv O2/kg so với 10,7 mEq O2/kg).
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Nông nghiệp (lntrang)