Ứng dụng phân tích đa tiêu chí trong đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam
Nghiên cứu do các tác giả: Thái Minh Tín, Vũ Văn Long, Trần Hồng Điệp - Khoa Tài nguyên - Môi trường, Trường Đại học Kiên Giang và Võ Quang Minh - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Bản đồ vị trí tám tỉnh ven biển ĐBSCL.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) (Veerman, 2013; Lê Anh Tuấn và ctv., 2014). ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 33% giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong vùng phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên, khí hậu và tài nguyên đất đai. Ngoài ra, nguồn tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất nống nghiệp và sinh hoạt của người dân ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào các chế độ khí tượng và thủy văn trong khu vực (Tuan and Chinvanno, 2011). Những thay đổi bất thường của BĐKH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân địa phương và gây nên sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu phát triển nông nghiệp và thói quen sinh hoạt của người dân. Do đó, việc xây dựng một chiến lược thích hợp để giảm thiểu các ảnh hưởng và rủi ro đồng thời thích ứng với những biến đổi này là vô cùng cần thiết cho các thế hệ tương lai ở ĐBSCL (Veerman, 2013).
Bên cạnh đó, địa hình vùng ĐBSCL khá thấp, có hai mặt giáp biển dài hơn 600 km, thường xuyên chịu tác động của cả hai loại triều khác nhau từ Biển Đông (bán nhật triều không đều) và triều Biển Tây (nhật triều không đều) tạo nên một chế độ thuỷ văn vô cùng đa dạng: phân phối dòng chảy thay đổi theo mùa và kỳ triều, đồng thời có các xáo trộn về chất lượng (Lê Thị Hồng Hạnh và Trương Văn Tuấn, 2014). Do đặc thù địa lý, ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động bất lợi của BĐKH như lưu lượng nước lớn và lũ trên sông sẽ tăng lên vào mùa mưa và khô hạn vào mùa khô dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Mực nước biển dâng sẽ gây xâm nhập mặn vào sâu hơn vào trong đất liền, làm cho một diện tích lớn khu vực ven biển sẽ chuyển thành môi trường nước lợ.
BĐKH đã, đang và sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên và sinh kế của người dân trong vùng ĐBSCL đe doạ đến sự phát triển bền vững của vùng. Do đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu xác định mức độ ảnh hưởng của sáu yếu tố tự nhiên gồm: độ mặn, thời gian mặn, độ sâu ngập, thời gian ngập, hạn và mưa đến sản xuất nông nghiệp đồng thời đánh giá, phân vùng nông nghiệp bị ảnh hưởng của BĐKH.
Nghiên cứu tiến hành phỏng vấn 34 chuyên gia và 210 nông hộ thuộc các tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu được phân tích bằng phương pháp phân tích đa tiêu chí dựa vào chỉ số nhất quán. Sử dụng phần mềm Mapinfo để đánh giá và thành lập bản đồ phân vùng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy phương pháp phân tích đa tiêu chí có khả năng đánh giá thứ bậc mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên. Trong đó, mô hình trồng lúa, cây màu và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi độ mặn và độ sâu ngập. Mô hình trồng mía và cây ăn trái bị ảnh hưởng bởi độ sâu ngập. Vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở mức độ ảnh hưởng thấp có diện tích lớn nhất (66%), vùng chịu ảnh hưởng ở mức độ ảnh hưởng trung bình chiếm 22% và vùng chịu ảnh hưởng mức độ ảnh hưởng cao có diện tích nhỏ nhất (12%).
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Nông nghiệp (lntrang)