Hiệu quả của bón bùn đáy mương hệ thống canh tác lúa-tôm đối với độ phì nhiêu đất và năng suất lúa ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau
Nghiên cứu do các tác giả: Huỳnh Văn Quốc, Châu Minh Khôi, Nguyễn Văn Sinh - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ; Lê Quang Trí - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, Thị Tú Linh - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, Jason Condon - Graham Centre for Agricultural Innovation (Charles Sturt University and NSW Department of Primary Industries) và Jes Sammut - School of Biological, Earth & Environmental Sciences, The University of New South Wales thực hiện.
Ảnh: Hữu Tùng (nhandan.com.vn)
Mô hình lúa-tôm là một trong những mô hình canh tác bền vững ở vùng ven biển do đã thích nghi với điều kiện tự nhiên bởi tôm được nuôi trong điều kiện nước mặn, lợ trong mùa khô và cây lúa được trồng trong mùa mưa. Mô hình này đã giúp tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất và tăng lợi nhuận cho nông dân (Tran et al.,1999; Brennan et al., 2000). Tuy nhiên, hiệu quả tương tác giữa hai đối tượng nuôi trồng này trong cùng hệ thống canh tác, đặc biệt là vai trò cung cấp dinh dưỡng từ bùn đáy sau vụ tôm cho canh tác lúa chưa được nghiên cứu. Sau vụ tôm, lượng bùn tích lũy đáy mương khá lớn, với tổng lượng bùn ở mương chính đạt trung bình 15,9 tấn/ha/tháng và 13,0 tấn/ha/tháng ở mương xả phèn (Huỳnh Văn Quốc và ctv., 2015).
Gần đây, đã có một vài nghiên cứu sử dụng bùn đáy của các ao nuôi thủy sản để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và làm phân bón. Huỳnh Tuyết Ngân (2010) nghiên cứu khả năng cung cấp dinh dưỡng của bùn đáy ao nuôi cá tra đã kết luận rằng có thể sử dụng bùn đáy ao nuôi cá tra để làm phân hữu cơ khoáng và phân hữu cơ vi sinh bón cho lúa, rau muống và cây vạn thọ. Cao Văn Phụng và ctv. (2009) đã sử dụng bùn thải từ ao nuôi cá tra trộn với rơm để bón cho lúa, kết quả cho thấy có thể thay thế từ 1/3 đến 2/3 lượng phân đạm (N) vô cơ theo khuyến cáo là 80 kg N/ha cho vụ đông xuân hoặc 60 kg N/ha cho vụ hè thu và thu đông. Các nghiên cứu này chỉ tập trung cho bùn đáy ao nuôi cá da trơn và cá nước ngọt. Thời gian qua, bùn đáy ao trong mô hình lúa-tôm được nghiên cứu, phân tích giá trị dinh dưỡng nhằm làm cơ sở cho việc nghiên cứu tận dụng vào vụ lúa trong mô hình hoặc cho các cây trồng cạn. Tất Anh Thư và Võ Thị Gương (2010) kết luận rằng nếu bùn đáy trong ruộng lúa-tôm được rửa mặn tự nhiên 3 tháng trong mùa mưa, thì độ mặn của bùn sẽ giảm xuống dưới ngưỡng gây độc cho cây trồng. Theo nghiên cứu của Huỳnh Văn Quốc và ctv. (2015), bùn đáy trong hệ thống lúa-tôm giàu cacbon hữu cơ và đạm tổng nên sau khi rữa mặn, bùn đáy có khả năng cung cấp bổ sung N khoáng cho vụ canh tác lúa trong mô hình. Do đó, nghiên cứu sử dụng bùn đáy bón cho vụ lúa được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của bùn đáy đối với độ phì nhiêu đất và năng suất vụ lúa trong mô hình lúa-tôm khép kín, tạo cơ sở cho việc tận dụng bùn đáy để cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa, giúp giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí sử dụng phân bón của nông hộ.
Thí nghiệm đồng ruộng được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Các nghiệm thức (NT) gồm: NT1 - không bón phân (đối chứng); NT2 - bón 5 cm bùn đáy mương; NT3 - bón phân NPK (60 N-40 P2O5-30 K2O kg/ha); NT4 - bón phân NPK với lượng bằng 2/3 của NT3 (40 N-27 P2O5-20 K2O kg/ha); NT5 - bón bùn kết hợp phân NPK với lượng như NT4. Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng đạm được khoáng của NT được bón bùn cao hơn có khác biệt ý nghĩa so với không bón bùn (p<0,05). Đạm và lân hữu dụng trong đất cao khác biệt có ý nghĩa giữa NT2, NT5 với 3 NT còn lại lần lượt tại thời điểm 15 ngày và 35 ngày sau cấy (P < 0,05). Các kết quả của nghiên cứu cho thấy bón bùn đáy mương có thể thay thế một phần phân hóa học trong vụ canh tác lúa, được chứng minh bởi số chồi, chiều cao cây, năng suất hạt của các nghiệm thức được bón bùn cao khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với nghiệm thức không bón bùn.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Nông nghiệp (lntrang)