SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

ĐBSCL sẽ có thêm 2 tỷ USD để giải quyết các vấn đề cấp bách

[19/06/2019 09:26]

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, TP.HCM cần đóng vai trò nhạc trưởng để điều phối các liên kết vùng. Đây là liên kết qua lại, ĐBSCL phát triển thì TP.HCM cũng phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120

Ngày 18/6 tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

ĐBSCL được đánh giá là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nông nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt là biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.

Nhận thức rõ các thách thức, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP được xem như nghị quyết “thuận thiên”, nhằm tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL, tạo thế và lực để ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết này đã được triển khai rộng khắp ở các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và góp phần đạt kết quả quan trọng. Tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL đạt mức ấn tượng là 7,8% cao nhất trong 4 năm trở lại đây (bình quân cả nước là 7,1%). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 120 còn gặp nhiều hạn chế khó khăn trong việc triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đề ra cũng như sự kỳ vọng của chính quyền và người dân ĐBSCL.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các phát biểu, tham luận của các bộ, ngành, một số đối tác phát triển, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL; đại diện các nhà khoa học, doanh nghiệp đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 120, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao các bộ ban ngành khi kết quả đạt được của ĐBSCL rất đáng được ghi nhận.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là một trong 10 nước chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Điều này đe dọa đến cuộc sống người dân khi thời tiết thay đổi thất thường từ nắng nóng cho đến triều cường vượt mức lịch sử. Đáng lo ngại là nhiều người dân chưa nhận thức được vấn đề này, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng đối phó với các vấn đề hiện tại.

ĐBSCL có 20 triệu dân. Cuộc sống người dân ở đây gắn liền với sông nước tuy nhiên biến đổi khí hậu đang khiến hàng triệu người chịu tác động. "Nguy cơ rất lớn nhưng nếu vượt qua được thì đó chính là thời cơ của ĐBSCL", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. 

“Cơ hội và thách thức do chính cách chúng ta nhìn vấn đề. Chẳng hạn, với tình trạng xâm nhập mặn, nếu nhìn cây lúa thì thấy thách thức, nhưng nếu nhìn con tôm thì có thể là cơ hội”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, thật khó để có so sánh diễn biến thời tiết và khí hậu xưa hay nay khắc nghiệt hơn nhưng có điều chắc chắn là năng lực hiểu biết và khả năng ứng phó của chúng ta đã tốt hơn xưa rất nhiều. Thế nhưng dù với những công nghệ còn đơn giản xưa kia, cha ông ta vẫn có thể ứng phó được nhiều biến động của thiên tai và thời tiết, vậy tại sao chúng ta lại lo lắng và tỏ ra sợ hãi trước những thách thức của thiên tai.

"Chúng ta không sợ hãi trước thách thức của thiên tai nếu có ý thức và biết cách làm tốt. Tôi muốn nói điều này để báo cáo lại với tất cả quý vị lãnh đạo cũng như những nhà khoa học, chắc các nhà khoa học ủng hộ chúng ta những quan điểm này”, Thủ tướng chia sẻ.

“Nghị quyết 120 đã đặt vấn đề thúc đẩy triết lý phát triển “thuận thiên”, tức là dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phá vỡ tính cố kết sẵn có của tự nhiên nhưng điều này không có nghĩa là cam chịu, là chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa. Số phận suy vong hay thịnh phát do chính chúng ta quyết định bằng chính hành động của mình. Chứ không phải là “thuận thiên” là xuôi tay hết”.

Ảnh: VGP

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng nhận xét đã đạt được kết quả quan trọng. Song, khối lượng công việc còn nhiều, phải làm tốt hơn nữa, huy động thêm trí tuệ của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân.

“Nhận thức “thuận thiên” ở đây không có nghĩa là phó mặc cho trời đất mà dành các nguồn lực để phát triển ĐBSCL rõ hơn, nhiều hơn”, Thủ tướng nói đồng thời cho biết, ĐBSCL sẽ được dành riêng 2 tỷ USD vốn tăng thêm so với giai đoạn 2016-2021 để đầu tư vào các dự án liên vùng giải quyết điểm nghẽn về giao thông vận tải, biến đổi khí hậu.

Ông cũng đồng tình với ý kiến cần phải ưu tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng cho vùng Tây Nam Bộ, đẩy nhanh các dự án đã được quy hoạch để cải thiện môi trường kinh doanh. Ví dụ cụ thể về tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng cho biết đây là dự án sẽ được ưu tiên dồn sức trong năm nay. 

Thủ tướng đề nghị đưa ngân sách chi cho ứng phó BĐKH thành một nhiệm vụ chi chính trong ngân sách của các địa phương. Chúng ta không chỉ lập dự toán dự phòng chống thiên tai như hiện nay, tức là kiểu ứng phó bị động mà phải có chương trình, nguồn lực ứng phó BĐKH một cách chủ động.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh ĐBSCL cần liên kết vùng mạnh mẽ hơn để cùng hợp tác sáng tạo, chung sức đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, các giải pháp sản xuất bền vững và chia sẻ kết quả với nhau.

"Nếu không hợp tác vùng, các chính sách sẽ không thể thành công. TP.HCM cũng cần đóng vai trò nhạc trưởng để điều phối các liên kết vùng. Đây là liên kết qua lại, ĐBSCL phát triển thì TP.HCM cũng phát triển", Thủ tướng nói.

Trong 2 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, như phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2018-2020. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hỗ trợ 20 dự án với kinh phí 3.700 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn.

Mới đây, ngày 13/4/2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 417/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm:

1. Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách.

2. Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản

3. Xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ

4. Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu

5. Đầu tư và phát triển hạ tầng

6. Phát triển và huy động nguồn lực.

Thạch An

 

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ