Tại sao Google đã từ bỏ năng lượng tái tạo?
Trong 'Báo cáo về môi trường' năm 2017, Google tuyên bố rằng, họ đã đi tiên phong trong việc phát triển mô hình 'thu mua năng lượng sạch trên toàn cầu'; Cạnh đó, họ mạnh tay chi hàng trăm triệu USD để nghiên cứu, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Nhưng chỉ 2 năm sau, 'ông lớn' đã từ bỏ mục tiêu này. Tại sao vậy? Bài viết sau đây sẽ đưa chúng ta đến một góc nhìn khác (Google vừa là nhà tiêu thụ, vừa là nhà đầu tư) nguồn điện này.
Khởi đầu rất tham vọng và hoành tráng:
Chỉ mới cách đây vài năm, ban lãnh đạo của Google đã khởi xướng một dự án cực kỳ tham vọng với mục đích thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch bằng nguồn năng lượng tái tạo. Dự án có tên gọi cực kỳ kêu “Năng lượng tái tạo rẻ hơn than”.
Mục tiêu của dự án cũng rất dễ hiểu: Chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường!
Phương pháp để đạt được mục tiêu cũng rất khoa học: Dựa trên tính khả thi về kinh tế của việc thay thế này.
Bước đi của Google cũng rất bài bản: Các năm đầu tiên đã chi ra một khoản tiền rất lớn cho công tác nghiên cứu, sau đó là đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo. Theo thống kê chưa đầy đủ, số tiền Google chi cho dự án này đã hơn 250 triệu đô la.
Kết quả hiện hữu:
Đến ngày hôm nay (29/5/2019), dự án đã bị đóng cửa. Google tuyên bố, từ nay trở đi sẽ không có tham vọng tiên phong trong lĩnh vực “năng lượng xanh” nữa.
Lý do tại sao?
Ban đầu, người ta đã tuyên truyền rằng, tính đến năm 2050, việc chuyển từ nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt) sang nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sẽ làm giảm khoảng 35% lượng phát thải khí nhà kính - CO2. Nhưng, kết quả nghiên cứu/tính toán của Google (nói trên) đã cho thấy: nồng độ khí CO2 đúng là tăng lên, và thậm chí vào năm 2050, sẽ vượt quá mức 250 ppm (0,025%). Trong quá trình tính toán, ngưỡng an toàn về nồng độ được giả định là ổn định ở mức 350 ppm (0,035%). Các chuyên gia của Google cũng đã bị thuyết phục rằng: Không có cách nào thực sự để giảm sự gia tăng nồng độ carbon dioxide.
Điểm đặc biệt trong nghiên cứu của Google là chỉ xem xét các dự án có hiệu quả về kinh tế. Các chuyên gia của Google tin chắc rằng chỉ trong trường hợp khả thi về kinh tế, năng lượng xanh mới được phát triển với một tốc độ phù hợp, và viễn cảnh như vậy không thể thấy trước được trong vòng 40-50 năm tới.
Google cho rằng, các nhà sản xuất điện không phải là các nhà từ thiện, mà là các tổ chức thương mại, họ sẽ không hy sinh lợi nhuận vì lợi ích của những giá trị nhân văn phổ quát không có lợi.
Kết quả nghiên cứu của Google đã khiến nhiều người thất vọng, nhưng cho đến nay không ai cố gắng để phản bác chúng - những nghiên cứu mới đòi hỏi rất nhiều khoản đầu tư tài chính. Bản thân Google vẫn đang đóng góp vào sự phát triển của năng lượng xanh, nhưng không coi đó là ưu tiên hàng đầu.
Kết luận đã được rút ra:
1/ Các công nghệ hiện có để thu được năng lượng từ các nguồn tái tạo không thể cạnh tranh được với các công nghệ hydrocarbon (nguồn năng lượng truyền thống).
2/ Thị trường trên cơ sở cạnh tranh truyền thống không hoạt động vì chi phí cao, các trạm điện mặt trời và điện gió không thể trở nên hấp dẫn đối với người tiêu dùng điện trong ngắn hạn.
3/ Ít nhất là cho đến năm 2050, chi phí cho 1 kWh của năng lượng xanh sẽ không thấp hơn so với chi phí của các nhà máy nhiệt điện truyền thống.
4/ Chỉ các quyết định chính trị bất chấp thực tế kinh tế của các chính phủ về hỗ trợ tài chính cho năng lượng tái tạo mới có thể đảm bảo sự phát triển của nó.
5/ Nhưng, chỉ những quốc gia phát triển nhất với nhận thức cao của người dân về môi trường mới có thể đủ khả năng này.
TS. NGUYỄN THÀNH SƠN (LƯỢC DỊCH)