Nâng cao chất lượng gạo Việt để giữ vững uy tín
Với việc kiểm soát chặt chẽ như hiện nay, các doanh nghiệp phải ý thức được đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu, giữ vững uy tín, thương hiệu bằng sự trung thực về năng lực xuất khẩu, tránh những rủi ro mà một số doanh nghiệp đã vướng phải trong thời gian qua.
Dự báo những tháng cuối năm tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khó khăn hơn nhiều so với những tháng đầu năm.
Xuất khẩu gạo sụt giảm
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá đạt khoảng 1,18 tỷ USD, giảm 20,4%. Philippines trở thành thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam, chiếm 38,6% trong tổng xuất khẩu cả nước.
Còn theo Bộ Công Thương, ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm. Nguyên nhân có thể do: tồn kho của vụ sản xuất cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia, Bangladesh khôi phục sản xuất sau lũ lụt...
Trong dự báo 6 tháng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung lúa, gạo thế giới được dự báo tăng do sản lượng gạo của các nước sản xuất tăng. Thái Lan tăng 138.000 tấn so với năm trước, Ấn Độ tăng 2,87 triệu tấn, Campuchia tăng 79.000 tấn. Không chỉ Việt Nam, các nước Ấn Độ, Thái Lan đều rơi vào tình trạng xuất khẩu sụt giảm.
Nâng cao năng lực quản trị chất lượng lúa gạo
Đánh giá về vấn đề trên, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, không chỉ năm 2019, mà những năm tiếp theo, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Trước tiên là sự gia tăng nguồn cung lúa gạo trên thế giới, cụ thể là diện tích và sản lượng lúa gạo ở nhiều quốc gia đang tăng lên do hiệu ứng giá gạo cao của những năm trước. Ước tính tổng sản lượng gạo toàn cầu năm 2019 sẽ đạt hơn 499 triệu tấn, tăng thêm 4,2 triệu tấn so với năm 2018.
Tiếp đến là lượng gạo tồn kho từ các niên vụ trước còn khá lớn, điển hình như Trung Quốc, hiện nay đang tồn kho khoảng 116 triệu tấn gạo; từ một nước nhập khẩu gạo, Trung Quốc hiện nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn, có khả năng thay thế vị trí của Mỹ.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm tới 72%, mặc dù xuất khẩu sang Philippines tăng mạnh nhưng cũng mới chỉ bù được một phần giảm sút của thị trường Trung Quốc. Vì vậy, nếu như nửa đầu năm 2019, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tạm ổn với mức sụt giảm nhẹ thì dự báo những tháng cuối năm tình hình sẽ còn khó khăn hơn nhiều.
Xác định trong thời gian tới thị trường gạo thế giới vẫn còn diễn biến khó lường, do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong các tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, các bộ cần làm tốt thông tin về thị trường, có gì mới phải thông báo ngay. Cần hết sức coi trọng thị trường Trung Quốc vì đây vẫn là nhà nhập khẩu lớn. Đặc biệt quan tâm tới việc kết nối với bên ngoài, nếu có thể kết nối với 2-3 nhà phân phối lớn của nước ngoài, họ đặt hàng thì ta sẽ đặt hàng lại cho nông dân, như vậy mới tạo được chuỗi liên kết hoàn chỉnh và hiệu quả.
Đặc biệt, với việc kiểm soát chặt chẽ như hiện nay, các doanh nghiệp phải ý thức được đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu, giữ vững uy tín, thương hiệu bằng sự trung thực về năng lực xuất khẩu, tránh những rủi ro mà một số doanh nghiệp đã vướng phải trong thời gian qua.
Bộ Công Thương sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giải quyết nhanh bài toán tính lại diện tích, sản lượng lúa gạo cân đối với nhu cầu thị trường; chuyển đổi sang các loại cây trồng có hiệu quả, kinh tế cao hơn, cơ cấu lại mùa vụ để đạt được chất lượng cao, hướng tới mục tiêu xuất khẩu ít hơn nhưng mang lại giá trị kinh tế lớn hơn, tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Song song với đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xây dựng chiến lược đầu tư cho chế biến, nâng cao năng lực quản trị chất lượng lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung để đảm bảo được đầu ra ổn định cho lương thực, nông sản của Việt Nam.
Thanh Minh