Ảnh hưởng của sự suy giảm nguồn nước dưới đất đến sản xuất nông nghiệp tại vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
Nghiên cứu do các tác giả Trần Thị Lệ Hằng, Nguyễn Lê Trạng, Nguyễn Thái Ân và Văn Phạm Đăng Trí - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Khu vực nghiên cứu
Nước dưới đất (NDĐ) là một trong những tài nguyên thiên nhiên quan trọng của hầu hết các quốc gia trên thế giới đặc biệt là trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước mặt đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề suy thoái cả về số lượng lẫn chất lượng và biến động theo thời gian (Nguyễn Ngọc Anh, 2010), trong khi chất lượng NDĐ thường có tính ổn định cao hơn và ít bị nhiễm bẩn hơn so với nước mặt (Zektser and Everett, 2004). Tại Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng ven biển do tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, nguồn NDĐ được khai thác phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp (Huỳnh Vương Thu Minh và ctv., 2014). Kết quả của rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc khai thác quá mức nguồn NDĐ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm và sụt lún bề mặt đất (Dự án nghiên cứu Rise and Fall: Chiến lược thích ứng với sụt lún và đô thị hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam nhằm ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn gia tăng. Website: http://rf.ctu.edu.vn/) nhất là ở các vùng ven biển (Erban et al., 2014) và làm tăng chí phí khai thác nguồn tài nguyên này (Pavelic et al., 2015).
Thị xã Vĩnh Châu nằm ở khu vực ven biển của tỉnh Sóc Trăng, hoạt động sinh kế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, 2010). Nguồn nước cung cấp cho thị xã Vĩnh Châu (bao gồm sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh) chủ yếu là nước mưa và nước dưới đất (Đồng Thống Nhất, 2016), tuy vậy, ở Vĩnh Châu, nguồn NDĐ được khai thác cả trong mùa mưa và mùa khô (Sở Tài Nguyên và Môi Trường Sóc Trăng, 2010a). Số lượng và mật độ công trình khai thác NDĐ ở Vĩnh Châu là khá cao (lần lượt là 12.247 công trình và 26 giếng/km2) (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, 2010b). Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nắng nóng, xâm nhập mặn và khô hạn kéo dài dẫn đến nhu cầu khai thác và sử dụng NDĐ ngày càng tăng. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về NDĐ ở Sóc Trăng nói chung và ở Vĩnh Châu nói riêng nhưng hầu hết tất cả các nghiên cứu đều chỉ tập trung vào việc đánh giá công tác quản lý nguồn NDĐ tại địa phương mà chưa đi sâu vào việc đánh giá ảnh hưởng của sự suy giảm nguồn NDĐ đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp; sự suy giảm NDĐ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân địa phương. Chính vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng sự suy giảm nguồn tài nguyên NDĐ đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, từ đó làm cơ sở giúp nhà quản lý có các giải pháp quản lý phù hợp thích ứng trước trình trạng xâm nhập mặn gia tăng.
Phương pháp phỏng vấn cấu trúc và bán cấu trúc (hộ gia đình và cán bộ địa phương chuyên trách về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước) được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của sự suy giảm nguồn tài nguyên nước dưới đất đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng màu, thủy sản) của người dân địa phương.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn tài nguyên nước dưới đất tại Vĩnh Châu đang có dấu hiệu suy giảm, từ đó, gây ảnh hưởng đến việc khai thác và sử dụng nguồn nước đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, cụ thể gây khó khăn trong việc bơm nước tưới cho cây trồng như làm tăng thời gian bơm nước (làm tăng chi phí điện/xăng, dầu), nâng cấp thiết bị bơm (bằng cách mua thêm các thiết bị bơm nước mới). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho thấy rằng sự suy giảm nguồn nước dưới đất còn là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về số lượng giếng khoan (khoan thêm giếng sâu hơn để đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho hiện tại và tương lai) do giếng khoan trước đó áp lực nước bơm lên rất yếu hoặc bơm không lên nước. Kết quả của nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ ra quyết định trong công tác quy hoạch, quản lý và cấp phép khai thác của ngành đặc biệt là các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6 (lntrang)