Đặc điểm hình thái, giải phẫu thích nghi của một số loài thực vật sống tại núi đá ven biển xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Nghiên cứu do các tác giả: Dương Tiến Thạch và Phan Thị Diệu - Khoa Sinh – Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Quy Nhơn thực hiện.
Đặc điểm hình thái các cơ quan sinh dưỡng (A.Bái tà; B. Cùm rụm lá nhỏ; C. Cúc giải; D. Dây Chiều)
Tỉnh Bình Định có nhiều hệ sinh thái núi đá ven biển (NĐVB). Xã Nhơn Lý thuộc thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định là một vùng đặc trưng với nhiệt độ trung bình năm cao (27,10C), số giờ nắng trung bình năm cao (269,3 giờ), lượng mưa cả năm là 1.846 mm và tốc độ gió trung bình năm (1,9 m/s) khá cao (Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và Sở Khoa học và Công nghệ, 2005). Do đó, thảm thực vật nơi đây mang nhiều đặc điểm thích nghi cao độ. Tuy nhiên, số lượng loài thực vật tại đây đang bị suy giảm nghiêm trọng do tác động của con người. Vì vậy, việc nghiên cứu 5 loài thực vật phổ biến nhằm tìm ra các đặc điểm thích nghi về hình thái và giải phẫu của thực vật khu vực này, làm cơ sở khoa học cho việc phục hồi và phát triển khu hệ thực vật là rất cần thiết.
Đối tượng nghiên cứu là 5 loài thực vật sống chủ yếu ở khu vực núi đá ven biển Nhơn Lý, Quy Nhơn, Bình Định: Cúc giải/Huỳnh cầm (Calotis anamitica (Kuntze) Merr.) - Họ Cúc (Asteraceae), Cùm rụm lá nhỏ (Carmona microphylla (Lamk.) G. Don) - Họ Vòi voi (Boraginaceae), Chành ràng (Dodonaea viscosa (L.) Jacq.) - Họ Bồ hòn (Sapindaceae), Bái tà (Sida rhombifolia var. retusa (L.) Mast.) - Họ Bông (Malvaceae) và Dây Chiều (Tetracera scandens (L.) Merr.) - Họ Sổ (Dilleniaceae).
Dạng thân của các loài thực vật nghiên cứu (A.Cùm rụm lá nhỏ; B. Chành ràng; C. Dây Chiều; D. Cúc giải; E. Bái tà)
Núi đá ven biển là môi trường sống vô cùng khắc nghiệt đối với sinh vật.Các loài thực vật ở đây có nhiều biến đổi về hình thái và giải phẫu để thích nghi. Thực vật núi đá ven biển khu vực xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã có những đặc điểm biến đổi thích nghi với các điều kiện bất lợi như: tác động cơ học mạnh của gió biển, cường độ chiếu sáng mạnh và hạn hán. Qua quá trình nghiên cứu tìm hiểu đặc điểm hình thái, giải phẫu của 5 loài thực vật gồm thân bụi nhỏ và thân cỏ thuộc lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) bằng phương pháp hình thái so sánh, vi phẫu, nhuộm kép, đo mẫu trên kính hiển vi, chụp ảnh hiển vi lá, thân và rễ cây. Kết quả nghiên cứu cho thấy các loài thực vật ở khu vực nghiên cứu có mô giậu ở lá phát triển mạnh, chiếm tới 92,70% độ dày lá; biểu bì lá được bao phủ bởi lớp lông dày hoặc có lớp cutin bảo vệ nhằm thích nghi với ánh sáng mạnh và nhiệt độ cao, tầng cutin trên và dưới chiếm đến 4,55% độ dày lá; cây có chiều cao thấp hoặc nằm trườn sát mặt đất, gỗ thứ cấp ở thân (cao nhất chiếm 59,21% bán kính thân) và ở rễ (cao nhất chiếm 78,34% bán kính rễ) phát triển; sợi gỗ và sợi libe phân bố nhiều trong thân giúp cây thích nghi với gió biển thổi mạnh; rễ có số lượng mạch gỗ khá lớn (cao nhất là 183,17 ± 6,15 mạch/mm2) nhằm thích nghi với hạn hán.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6 (lntrang)