SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiệu quả của chế phẩm đạm sinh học Burkholderia vietnamiensis CT1 trên giống lúa cao sản OM4218

[10/07/2019 15:31]

Nghiên cứu do các tác giả: Ngô Thanh Phong - Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Chậu lúa ở một số nghiệm thức trồng lúa trong chậu (A. Từ trái qua: NT5, NT3 và NT1) và bông lúa khi thu hoạch (B. Từ trái qua phải: NT1, NT2, NT3, NT4 và NT5)

Đạm là chất dinh dưỡng giới hạn, yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất lúa. Sự quan tâm về kinh tế, hiệu quả và sự ảnh hưởng của đạm đến môi trường luôn được chú ý và nghiên cứu để thay thế hoặc bổ sung cho nguồn đạm hóa học bằng đạm sinh học góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững (Shrestha and Ladha, 2005).

Vi khuẩn Burkholderia có khả năng cố định đạm, cộng sinh với nhiều loại cây trồng giúp cố định đạm và kích thích sự tăng trưởng khi chúng hiện diện ở đất quanh vùng rễ và trong rễ của một số loại cây trồng như lúa, bắp, mía, cà phê (Chen et al., 2006). Van et al. (2000) đã xác định được Burkholderia vietnamiensis là loài vi khuẩn có khả năng cố định đạm giúp tăng năng suất lúa. Các chủng Burkholderia vietnamiensis được phân lập từ vùng rễ lúa ở ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có dòng Burkholderia vietnamiensis CT1 đã được xác định có hiệu quả cao (Ngô Thanh Phong, 2012). Việc nghiên cứu ứng dụng vi khuẩn Burkholderia vietnamiensis CT1 để sản xuất chế phẩm đạm sinh học dạng lỏng cho cây lúa đã được thử nghiệm thành công, có khả năng tồn trữ 3 tháng nhưng vẫn đảm bảo mật số trên 108 CPU/ml (Ngô Thanh Phong, 2017). Do đó, việc xác định hiệu quả của chế phẩm đạm sinh học Burkholderia vietnamiensis CT1 đã qua tồn trữ 3 tháng với cây lúa trồng trong chậu là cần thiết nhằm đánh giá mức độ thay thế đạm hóa học trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Thí nghiệm đánh giá hiệu quả của chế phẩm đạm sinh học Burkholderia vietnamiensis CT1 được tiến hành trên giống lúa OM4218 trồng trong chậu vào vụ Hè Thu 2016. Kết quả thí nghiệm đã chứng minh chế phẩm đạm sinh học Burkholderia vietnamiensis CT1 có khả năng thay thế đến 50%N sử dụng cho cây lúa cao sản trồng trong chậu, ảnh hưởng có ý nghĩa đến sự tích lũy sinh khối, số chồi hữu hiệu của bụi lúa và năng suất lúa thu hoạch theo từng chậu so với đối chứng. Hiệu quả của chế phẩm cũng tác động có ý nghĩa lên sự tích lũy protein trong hạt gạo và duy trì được N tổng số trong đất sau khi thu hoạch lúa trong chậu. Như vậy, chế phẩm đạm sinh học Burkholderia vietnamiensis CT1 có khả năng cung cấp đến 50% đạm sinh học cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây lúa cao sản OM4218 trồng trong chậu.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần A (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ