Ảnh hưởng bổ sung grobiotic®-a trong thức ăn lên tăng trưởng và sức đề kháng bệnh của cá tra (Pangasianodon hypothalamus)
Nghiên cứu do các tác giả: Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Ngọc Út và Nguyễn Thị Ngọc Anh - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Ở nước ta, cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là đối tượng nuôi chủ lực ở vùng nước ngọt Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng sang nhiều nước trên thế giới. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 11/2016, diện tích nuôi cá tra thương phẩm đạt 4.552 ha, sản lượng đạt 1,047 triệu tấn (tăng 9% so với 2015). Ước tổng giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thâm canh hóa trong nuôi cá tra với mật độ cao đã và đang gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh thường xuyên xảy ra, cá nuôi sinh trưởng chậm, tỉ lệ sống thấp và khó kiểm soát môi trường, đặc biệt sự lạm dụng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến sự kháng thuốc của nhiều dòng vi khuẩn gây bệnh (Từ Thanh Dung và ctv., 2010; Lê Minh Long và ctv., 2015).
Để việc nuôi cá được bền vững và không gây tác động xấu đến môi trường, một giải pháp tích cực được thực hiện hiện nay là áp dụng các giải pháp sinh học kết hợp với việc quản lý chất lượng nước và chăm sóc tốt cá nuôi trong suốt quá trình nuôi. Một số biện pháp áp dụng phổ biến hiện nay là sử dụng một số chế phẩm sinh học thay thế như prebiotics, probiotics, minerals, immunostimulants, enzymes; xử lý nước nuôi bằng các chế phẩm an toàn sinh học (biosecurity), chất diệt khuẩn (disinfectants), probiotics và enzymes và tăng cường quản lý ao nuôi thích hợp như thả cá khỏe mạnh, chế độ cho ăn hợp lý, thả mật độ thấp, chăm sóc sức khỏe cá trong quá trình nuôi (Michael, et al., 2014; Borch et al., 2015).
Grobiotic®-A, thực phẩm chức năng, một chế phẩm sinh học và kích thích miễn dịch mới với công dụng và hiệu quả lên tỉ lệ sống đã được chứng minh qua nghiên cứu ở một số đối tượng nuôi như cá chẽm sọc lai, cá rô phi, cá hồi, tôm sú và cá trống đỏ. Grobiotic®-A còn chứa nguồn đạm và năng lượng dễ tiêu hoá, thích hợp cho cá và các loài thủy sản khác. Chúng cung cấp các loại đường đơn (oligosacarit), nucleotit và chất kích thích miễn dịch từ men, chất kích thích có nguồn gốc vi khuẩn Lactobacillus và sản phẩm lên men (Zheng et al., 2011; Adel et al., 2017).
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của các mức bổ sung Grobiotic®-A trong thức ăn đối với tăng trưởng và sức đề kháng bệnh của cá tra. Bốn nghiệm thức thức ăn chứa các mức Grobiotic®-A khác nhau bao gồm 0% (đối chứng), 1%, 2% và 4%, với 5 lần lặp lại. Cá tra có khối lượng trung bình 15,1±2.79 g được nuôi với mật độ 80 con/bể trong hệ thống bể composite 500 L trong thời gian 60 ngày. Kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng của cá được cho ăn thức ăn có bổ sung GroBiotic®-A tốt hơn có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với nhóm cá ăn thức ăn đối chứng. Không có sự khác biệt thống kê (p>0,05) về tăng trưởng giữa các nghiệm thức thức ăn bổ sung từ 1% đến 4% GroBiotic®-A. Hệ số chuyển hóa thức ăn ở nghiệm thức 4% GroBiotic®-A là thấp nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức khác. Ngoài ra, sau 21 ngày gây cảm nhiễm, nghiệm thức 4% GroBiotic®-A cho kết quả tốt nhất về kháng bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophyla gây ra có thể được xem là mức bổ sung thích hợp trong thức ăn cho cá tra.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần B (lntrang)