SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá một số đặc tính lý hóa học và sinh học đất trên vườn cam sành (Citrus nobilis) bị bệnh vàng lá thối rễ tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long

[16/07/2019 15:01]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Ngọc Thanh - Nghiên cứu sinh ngành Khoa học đất, khóa 2014, Trường Đại học Cần Thơ; Tất Anh Thư, Mai Thị Cẩm Trinh, Dương Minh Viễn - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ và Võ Thị Gương - Trường Đại học Tây Đô thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Cây cam sành là một trong các cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long. Do giá trị kinh tế cao nên nhiều nhà vườn đã chuyển đổi đất lúa sang trồng cam. Diện tích đất canh tác vườn cam trước đây ít được cải tạo cho vụ cam mới, vì thế mầm bệnh hại tồn tại trong đất qua nhiều năm. Kết quả điều tra hiện trạng canh tác vườn cam sành tại các vùng trọng điểm của tỉnh cho thấy bệnh vàng lá thối rễ gây hại nặng, chiếm 40% trên tổng số vườn được khảo sát với mức độ bệnh từ trung bình đến nặng. Nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy bệnh vàng lá thối rễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng trái trên vườn cây có múi (Kore and Mane, 1992; Verma et al., 1999; Phạm Văn Kim, 2004; El-Mohamedy et al., 2012). Bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam (Hình 1) do nấm Fusarium solani gây ra, bệnh có nguồn gốc từ môi trường đất (Catara and Polizzi, 1999; Elgawad et al., 2010; Mazin et al., 2016). Bệnh phát triển mạnh khi vườn cam bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như đất thoát nước kém, thiếu thoáng khí, rễ bị tổn thương bởi sự gây hại do côn trùng và sự gây hại của vi sinh vật gây bệnh khác như nấm Phytophthora sp. trong đất (Adesemoye et al., 2013). Việc bón phân không cân đối, nhất là bón thừa phân đạm cũng góp phần gia tăng bệnh vàng lá thối rễ (Nemec and Zablotowicz, 1981; Dandurand and Menge, 1992). Như vậy, các đặc tính liên quan đến độ phì nhiêu đất, dinh dưỡng trong đất có ảnh hưởng đến đến sự phát triển của nấm gây bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam. Vì vậy, vấn đề đánh giá một số đặc tính lý hóa học và sinh học đất có thể giúp cung cấp số liệu cơ bản làm cơ sở cho các khuyến cáo về quản lý đất và hướng nghiên cứu nhằm kiểm soát bệnh vàng lá thối rễ trên vườn cam sành ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bốn mươi mẫu đất vườn cam sành tại xã Tường Lộc và xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long được thu thập để phân tích một số đặc tính lý hóa học và sinh học đất. Kết quả phân tích cho thấy mật số Fusarium spp. cao nhất trên vườn có cấp độ bệnh trung bình và nặng (P<0.05). Đồng thời, mật số vi sinh vật tổng số cao trên vườn có cấp độ bệnh thấp (P<0.05) so với vườn có cấp độ bệnh cao hơn. Trên tất cả vườn cam khảo sát, lượng chất hữu cơ trong đất và pH đất thấp, lượng kali trao đổi thấp dưới ngưỡng thích hợp cho cam phát triển. Hàm lượng đạm hữu dụng, lân dễ tiêu giảm có ý nghĩa khi tuổi liếp vườn cao hơn 20 năm tuổi. Trên cơ sở kết quả phân tích này, nghiên cứu đề xuất biện pháp giúp tăng mật số vi sinh vật trong đất, tăng vi sinh vật có ích như bón phân hữu cơ vi sinh, giảm ẩm độ đất liếp vườn, giảm phân đạm và phân lân trên liếp vườn có tuổi thấp hơn 20 năm để góp phần kiểm soát bệnh vàng lá thối rễ trên vườn cam sành.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần B (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ