Ảnh hưởng của tỉ lệ C/N và khẩu phần ăn lên sinh trưởng và năng suất sinh khối Artemia franciscana trong điều kiện phòng thí nghiệm
Nghiên cứu do các tác giả: Huỳnh Thanh Tới và Nguyễn Thị Hồng Vân - Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Artemia sinh khối (con trưởng thành) được xác định là thức ăn tốt cho ương nuôi cá, tôm nước ngọt và lợ (Nguyễn Thị Hồng Vân và ctv., 2010; Nguyễn Thị Ngọc Anh, 2011). Artemia sinh khối sản xuất tại Việt Nam chủ yếu được nuôi trong ao đất theo quy trình khép kín nên ít hoặc không thay nước, nguồn thức ăn bổ sung (phân gà, cám gạo, bột đậu nành...) được đưa trực tiếp vào ao nuôi Artemia (Anh, 2009) và theo thời gian, vật chất hữu cơ dư thừa cùng với chất thải của Artemia tích tụ ở đáy ao ngày càng tăng thường gây ô nhiễm môi trường nước (Vũ Ngọc Út và Tạ Văn Phương, 2008). Do đó, để giải quyết được vấn đề dinh dưỡng tích tụ trong ao nuôi, biện pháp hiệu quả là kích thích vi khuẩn dị dưỡng phát triển để chuyển hóa nitrogen tích tụ vào tế bào vi khuẩn (Avnimelech, 2012). Vi khuẩn dị dưỡng được kích thích phát triển bằng công nghệ biofloc đã được chứng minh là loại thức ăn thích hợp cho Artemia nuôi trong phòng thí nghiệm. Toi et al. (2013) khẳng định rằng Artemia phát triển khá tốt khi vi khuẩn dị dưỡng được kích thích ở tỉ lệ C/N là 10, nhưng tỉ lệ sống và tăng trưởng lại thấp ở nghiệm thức có vi khuẩn phát triển quá mức trong điều kiện thức ăn phong phú. Tuy nhiên, kết quả này chưa chỉ ra được là với mật độ nuôi và tỉ lệ C/N nào thì Artemia có thể sử dụng hiệu quả vi khuẩn dị dưỡng để mang lại năng suất sinh khối cao nhất. Vì thế, việc kết hợp giữa các tỉ lệ C/N khác nhau và khẩu phần ăn khác nhau nhằm tìm ra các giá trị phù hợp đảm bảo được sinh trưởng tốt nhất của Artemia và đạt năng suất sinh khối Artemia cao nhất.
Thí nghiệm đa nhân tố với 08 nghiệm thức, lặp lại 3 lần cho mỗi nghiệm thức được thực hiện để đánh giá về ảnh hưởng của kết hợp giữa tỉ lệ C/N (5, 10, 15 và không căn bằng C/N), và khẩu phần ăn (tiêu chuẩn (SF) và 2/3 SF) khác nhau lên sinh trưởng và năng suất sinh khối Artemia franciscana trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, tăng trưởng về chiều dài của Artemia giảm khi khẩu phần ăn bị giảm, nhưng khi bổ sung rỉ đường, chiều dài Artemia được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc bổ sung rỉ đường không làm tăng tỉ lệ sống của Artemia. Sản lượng sinh khối Artemia thu được giảm khi giảm lượng thức ăn từ khẩu phần SF xuống 2/3 SF, ngược lại năng suất sinh khối tăng đáng kể ở các nghiệm thức có bổ sung rỉ đường, đặc biệt Artemia cho ăn với khẩu phần SF với C/N 15 và Artemia cho ăn 2/3 SF với C/N 5 có khối lượng sinh khối cao hơn có ý nghĩa (p < 0,05) so với Artemia ở nghiệm thức đối chứng tương ứng. Từ các kết quả của thí nghiệm có thể đưa ra kết luận rằng, chiều dài và khối lượng của Artemia tăng đáng kể khi có bổ sung rỉ đường để đạt từ C/N 5 đến C/N 15, đặc biệt sinh khối Artemia ở các nghiệm thức với khẩu phần ăn 2/3 SF có năng suất sinh khối cao hơn không ý nghĩa so với sinh khối Artemia ở nghiệm thức đối chứng khi C/N 5 áp dụng.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần B (lntrang)