So sánh khía cạnh kỹ thuật và tài chính của nghề lưới kéo và lưới rê ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu
Nghiên cứu do các tác giả: Lê Văn Chí - Chi cục Thủy sản Bạc Liêu và Nguyễn Thanh Long - Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, là vùng giàu tiềm năng về thủy sản, vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2 và có hơn 4.000 đảo lớn nhỏ, 12 vịnh và đầm phá với tổng diện tích 1.160 km2 được che chắn dễ trú đậu tàu thuyền. Biển Việt Nam có khoảng 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện, trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá biển, 225 loài tôm, 25 loài mực,… (Nguyễn Duy Chính, 2008). Tổng sản lượng thủy sản cả nước năm 2016 đạt hơn 6,7 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác gần 3,1 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 7 tỷ USD (Tổng cục Thủy sản, 2016).
Bạc Liêu là một tỉnh ven biển, có tiềm năng phát triển về kinh tế biển. Với chiều dài bờ biển dài 56 km, tiếp giáp biển Đông, diện tích ngư trường biển gần 5.000 km2 thích hợp cho việc nuôi trồng và khai thác thủy sản. Năm 2016, sản lượng khai thác thủy sản đạt 107.276 tấn, chiếm 10,3% tổng sản lượng khai thác thủy sản của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu (CCTSBL) năm 2017.
Nghề khai thác thủy sản ở Việt Nam nói chung và ở Bạc Liêu nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức như nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ ngày càng cạn kiệt, năng suất khai thác trên một đơn vị cường lực tàu giảm, kỹ thuật khai thác lạc hậu, chủ yếu khai thác theo kinh nghiệm và phương tiện khai thác mang tính hủy diệt… nhưng đây lại là sinh kế chủ yếu của cộng đồng ngư dân ven biển. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu đánh giá về kỹ thuật và tài chính của nghề khai thác thủy sản ven bờ ở Bạc Liêu để hỗ trợ cho công tác quản lý và phát triển các nghề khai thủy sản ven bờ (CCTSBL, 2017). Vì vậy, nghiên cứu này đã được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng các nghề lưới kéo và lưới rê ven bờ nhằm cung cấp thông tin cơ bản cho việc quản lý và phát triển các nghề khai thác này theo hướng bền vững.
Nghiên cứu hoạt động khai thác của nghề lưới kéo ven bờ và lưới rê ven bờ được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 12/2017 ở tỉnh Bạc Liêu. Kết quả cho thấy nghề lưới kéo và nghề lưới rê là hai nghề có số lượng tàu và sản lượng nhiều nhất so với các nghề khai thác thủy sản còn lại. Nghề lưới kéo và lưới rê có thể khai thác quanh năm, mùa vụ khai thác thủy sản chính tập trung từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Qui mô tàu lưới rê (41,3±14,2 CV) lớn hơn tàu lưới kéo (36,1±15,1 CV). Sản lượng và tỉ lệ cá tạp của nghề lưới rê (13,5±3,9 tấn/năm; 16,8%) thấp hơn nghề lưới kéo (18,7±2,4 tấn/năm; 41,2%), nhưng lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận của nghề lưới rê (429±311 triệu đồng, 1,05±1,03 lần) cao hơn nghề lưới kéo (162±162 triệu đồng, 0,68±0,64 lần). Vì vậy, trong tương lai, cơ quan quản lý nên ưu tiên phát triển nghề lưới rê và hạn chế phát triển nghề lưới kéo. Để nghề khai thác thủy sản ven bờ phát triển ổn định cần đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất, và tập huấn ngư dân biết sử dụng các thiết bị khai thác nhằm tăng hiệu quả khai thác của họ.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần B (lntrang)