Chuyên gia cảnh báo lũ, xâm nhập mặn đáng nguy ở ĐBSCL
ThS. Nguyễn Hữu Thiện cảnh báo tình trạng lũ và xâm nhập mặn đáng lưu ý ở ĐBSCL ảnh hưởng từ mực nước thấp báo động trên sông Mekong.
Ths. Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL
Thái Lan vừa đo được mực nước trên sông Mekong thấp đáng báo động, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL để làm rõ về sự biến đổi này.
PV: - Thưa ông, xin ông phân tích nguyên nhân của tình hình biến động về mực nước trên sông Mekong và cho nhận xét về tình hình mùa lũ năm nay đối với ĐBSCL và cũng như tình hình xâm nhập mặn thời gian tới.
ThS. Nguyễn Hữu Thiện: - Để tìm hiểu nguyên nhân của tình hình mực nước thấp trên sông Mekong cần nắm rõ những vấn đề sau:
Với một năm trung bình, sông Mekong có tổng lượng nước là 475 tỉ mét khối, trong đó lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chỉ chiếm 11% số đó. Do đó, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ phía trên chảy về. Nước ở lưu vực Mekong ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 ở ĐBSCL và xâm nhập mặn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau Tết.
Lưu vực Mekong có thể chia làm 2 đoạn gồm Thượng lưu vực là phần chảy trong lãnh thổ Trung Quốc và Hạ Lưu vực là phần từ Lào xuống bờ biển ĐBSCL. Ở đoạn Thượng lưu vực, sông Mekong được gọi là Lan Thương Giang.
Phần Thượng lưu vực, với nguồn nước chủ yếu là từ tuyết tan ở Cao nguyên Tây Tạng, đóng góp khá ít vào tổng lượng nước, chỉ chiếm 16%, Myanmar đóng góp 2%, còn lại 82% lượng nước Mekong là do mưa ở Lào, Thái Lan, Campuchia, và ở tại chỗ ĐBSCL.
Do đó, có thể nói, lượng mưa ở phần Hạ lưu vực tức là tính từ Lào xuống Thái Lan, Campuchia, và tại chỗ ở ĐBSCL là yếu tố quyết định lớn nhất đối với mực nước ĐBSCL.
Trong 82% đó, lượng mưa ở phía tả ngạn, tức phía Lào đóng góp đến 35% tổng lượng nước. Phần lưu vực từ Thái Lan và Campuchia phía hữu ngạn đóng góp 18% mỗi nơi.
Lượng nước mưa ở vùng Hạ lưu vực lại phụ thuộc lớn vào thời tiết, trong đó quan trọng là chu kỳ El Nino và La Nina, lặp lại theo chu kỳ từ 2 đến 7 năm. Hiểu ngắn gọn, năm nào có El Nino thì năm đó mưa ít, El Nino càng mạnh thì mưa càng ít và ngược lại năm nào có La Nina trong lưu vực thì mưa nhiều.
Theo bản tin dự báo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ ra ngày 15/7/2019 thì hiện nay, đang có tình trạng El Nino yếu và sẽ chuyển trang trạng thái ENSO trung tính trong 1 đến 2 tháng tới ở Bắc bán cầu. Như vậy, có khả năng lượng mưa trong lưu vực Mekong trong vòng 1-2 tháng tới sẽ thấp.
Chúng tôi quan sát thấy mực nước sông Mekong tại Vientiane (Lào) đang ở mức thấp kỷ lục so với tất cả các năm trước. Mực nước này có nghĩa là tình hình mùa lũ năm nay ở ĐBSCL sẽ rất thấp và về rất muộn, kéo theo sang mùa khô đầu năm 2020, sau Tết, xâm nhập mặn ven biển ĐBSCL sẽ vào sâu trong đất liền.
PV: - Liệu có khả năng do thủy điện chặn dòng trên sông Mekong mà lượng nước không thể về đến ĐBSL?
ThS. Nguyễn Hữu Thiện: - Đối với ảnh hưởng của thủy điện đối với lượng nước sông Mekong, đầu tiên chúng ta cần nhớ là thủy điện không lấy mất nước, chỉ tích nước và xả ra phát điện, thì tổng lượng nước không thay đổi nhưng nó làm thay đổi thời gian của nước. Ngoài ra, cần phân biệt hai loại thủy điện là thủy diện có hồ chứa lớn (ở phần Trung Quốc và các chi lưu) và thủy điện đập dâng (run off river dams).
Cũng cần phân biệt rõ các năm, tính theo lượng nước, là những năm lũ lớn, những năm bình thường, và những năm khô hạn vì ảnh hưởng của các đập thủy điện đối với các năm này khác nhau.
Đối với những năm bình thường, tức là đa số các năm, thì (a) các đập có hồ chứa thì có khả năng tích nước trong mùa lũ và xả ra trong mùa khô, tức là làm giảm đỉnh lũ và tăng dòng chảy mùa khô (b) còn các đập dâng thì cho nước chảy qua trong ngày, ít ảnh hưởng lượng nước về ĐBSCL.
Đối với những năm lũ cao, khi các đập quá đầy nước thì sẽ xả ra đế tránh vỡ đập, do đó gây ra tình trạng lũ chồng lũ cho phía hạ lưu.
Đối với những năm khô hạn, thì các đập sẽ tăng cường tích trữ nước cho đủ cột nước để chạy turbines, làm nước không về hạ lưu, làm tình hình khô hạn tồi tệ thêm.
Hiện nay chúng ta đang trong tình trạng El Nino khô hạn ít mưa, do đó các đập thủy điện đang làm cho tình hình tồi tệ thêm. Như vậy có thể thấy năm nay mùa lũ về ĐBSCL sẽ có khả năng rất thấp và sau Tết, sang tháng 3, 2020 tình trạng xâm nhập mặn sẽ rất sâu.
Cần nói thêm, tác động chính của các đập thủy điện Mekong là chặn phù sa và cát, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển ĐBSCL.
PV: - Nhắc tới câu chuyện về xâm nhập mặn ở ĐBSCL, liệu còn nguyên nhân nào khác dẫn đến tình trạng này không, thưa ông?
ThS.Nguyễn Hữu Thiện: - Chuyện xâm nhập mặn ở ĐBSCL lại còn do một yếu tố nội tại ở ĐBSCL đó là phần lớn diện tích ĐBSCL từ vùng lúa ba vụ ở các tỉnh thượng nguồn cho đến vườn cây ăn trái ở miệt vườn vùng giữa đồng bằng và thậm chí ra tới ven biển thì đã có đê bao khép kín không cho lũ vào.
Nước về chủ yếu chảy trong sông Tiền, Sông Hậu và một số nhánh sông lớn, không vào được ruộng vườn và chảy tuột ra biển. Đến mùa khô, khi sông Mekong hạ thấp thì đồng bằng cũng chẳng còn nước.
Mực nước trên sông Mekong tại Vientiane ngày 16/7/2019. Nguồn: Ủy hội Mekong quốc tế (MRC)
Vấn đề bắt đầu gần 20 năm trước từ khi lúa vụ ba phát triển mạnh ở các tỉnh thượng nguồn làm tăng ngập ở vườn tược ở các tỉnh phía bên dưới. Các tỉnh bên dưới do đó cũng làm đê bao để bảo vệ vườn cây ăn trái, càng làm càng tăng ngập ở những nơi chưa có đê bao, dần dần thì khắp nơi đều có đê bao khép kín.
Khi mùa lũ trùng với triều cường từ biển vào thì các thành phố và lộ giao thông ở vùng giữa đồng bằng, từ khoảng Quốc lộ 1 ra biển bị ngập nặng vì những nơi này là những nơi duy nhất không có đê bao. Và đến mùa khô thì toàn đồng bằng thiếu nước, do nước đã bị tống ra biển hết vào mùa nước.
PV: - Vậy có giải pháp nào cho Việt Nam trong tình huống này không, thưa ông?
ThS. Nguyễn Hữu Thiện: - Đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn vào sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và cố tránh thiệt hại. Kinh nghiệm cho thấy như năm 2016 thì ít có biện pháp nào để đối phó với những năm khô hạn cực đoan. Dù có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng ngăn mặn vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn vô ích.
Về lâu dài, để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL thì cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
Lũ vào được 2 vùng này thì bên dưới sẽ bớt ngập, bớt nhu cầu đê bao khép kín để nước có thể vào vườn tược, như vậy sang mùa khô đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu. Nghị quyết 120 đã chỉ rõ, sản lượng lúa không còn là ưu tiên mà chất lượng mới quan trọng. Còn vùng ven biển thì nên chuyển sang hệ canh tác mặn, không nên cố ngọt hóa để canh tác lúa khắp nơi nữa.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Cúc Phương