Phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng người Khmer ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
Nghiên cứu do các tác giả: Đào Ngọc Cảnh - Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ và Ngô Thị Ái Thi - Sinh viên ngành Việt Nam học, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Lễ hỗi đua bò ở huyện Tịnh Biên (Ảnh: sưu tầm).
Du lịch nông thôn (rural tourism) là khái niệm dùng để chỉ các hoạt động du lịch diễn ra ở vùng nông thôn, gắn với hoạt động nông nghiệp, cảnh quan nông thôn, đời sống cộng đồng cùng với những di sản văn hóa truyền thống của địa phương. Khái niệm du lịch nông thôn đã manh nha cùng với sự hình thành của ngành đường sắt ở châu Âu. Tuy nhiên, cho mãi đến đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, du lịch nông thôn mới được xem là một loại hình du lịch và dần trở thành phổ biến ở hầu hết các quốc gia châu Âu như: Pháp, Hungary, Bungaria, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, v.v... (Bùi Xuân Nhàn, 2009).
Nghiên cứu những vấn đề du lịch nông thôn, Stephen and Getz (1997) đã phân tích chiến lược tài chính, marketing cho du lịch nông thôn. George et al. (2009) đã phân tích vai trò của văn hóa bản địa trong hoạt động du lịch nông thôn, sự thay đổi vùng nông thôn do tác động của sự phát triển du lịch và vai trò của cộng đồng địa phương trong quá trình phát triển du lịch nông thôn tại một số địa bàn như: Port Stanley (Ontario), Vulcan (Alberta), Canso (Nova Scotia).
Theo Võ Văn Sen và Ngô Thanh Loan (2017), các điều kiện cơ bản để hình thành và phát triển du lịch nông thôn gồm có: (1) Tính độc đáo của tài nguyên du lịch nông thôn, (2) Vị trí địa lý và khả năng tiếp cận, (3) Tính cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm du lịch.
Theo Phạm Trung Lương (2015), tính cạnh tranh của du lịch thể hiện ở những loại sản phẩm du lịch đặc thù, tức là sản phẩm có tính độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn), không chỉ thỏa mãn mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo.
Ngày nay, du lịch nông thôn phát triển mạnh do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tăng lên nhanh chóng đã thúc đẩy du khách tìm về nông thôn để được hòa mình vào cuộc sống đồng quê, tận hưởng không khí trong lành và những giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn. Du lịch nông thôn tạo điều kiện cho du khách tiếp xúc, trải nghiệm đời sống nông thôn thông qua những hoạt động gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống, cảnh quan nông thôn, phong tục tập quán và các di sản văn hóa bản địa.
Sự phát triển của du lịch nông thôn luôn gắn với du lịch cộng đồng, còn gọi là du lịch dựa vào cộng đồng (community-based tourism - CBT). Du lịch cộng đồng là hình thức du lịch mà cộng đồng dân cư địa phương đứng ra tổ chức hoạt động du lịch để giới thiệu với du khách về những vẻ đẹp của thiên nhiên và các giả trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng, từ đó tạo nguồn thu cho cộng đồng từ hoạt động kinh doanh du lịch. Theo Điều 3 Luật Du lịch 2017 (Quốc hội, 2017), “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”.
Như vậy, phát triển du lịch nông thôn thực chất là phát triển du lịch cộng đồng, bởi vì đây là hình thức hoạt động du lịch do chính cộng đồng dân cư địa phương đứng ra tổ chức để đáp ứng nhu cầu của du khách và thu về những lợi ích từ hoạt động kinh doanh du lịch của mình. Du lịch cộng đồng mang lại những tác động rất tích cực đối với cộng đồng dân cư địa phương trên nhiều phương diện như: (1) Góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân thông qua việc bán các sản phẩm du lịch cho du khách; (2) Làm thay đổi bộ mặt địa phương thông qua nguồn quỹ thu được từ hoạt động du lịch để đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật tại địa phương; (3) Liên kết các ngành kinh tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của địa phương; (4) Đánh thức những giá trị của cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương.
Huyện Tịnh Biên là địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng bởi cảnh quan thiên nhiên vùng núi Thất Sơn hùng vĩ cùng với giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer rất đặc sắc. Đây chính là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch, tạo nên sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trên thực tế các nguồn tài nguyên du lịch nông thôn ở huyện Tịnh Biên nói chung và ở vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, còn tồn tại dưới dạng tiềm năng. Hoạt động du lịch nông thôn ở địa bàn này còn mang tính tự phát, kém hiệu quả, chưa tạo được nguồn thu từ du lịch để cải thiện đời sống người dân.
Vì vậy, phát triển du lịch nông thôn theo mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Tịnh Biên sẽ góp phần khai thác các tài nguyên du lịch đặc sắc của địa phương, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần cải thiện đời sống người dân, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Mô hình du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng huyện Tịnh Biên
Để phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng người Khmer ở huyện Tịnh Biên, một số giải pháp cần thực hiện như sau:
- Xây dựng Trung tâm du lịch cộng đồng huyện Tịnh Biên làm đầu mối tiếp đón khách du lịch và đưa khách đến các điểm du lịch cộng đồng trong huyện. Trung tâm du lịch cộng đồng bao gồm nhiều hạng mục, trong đó có bãi đậu xe cho khách du lịch kết hợp với các cơ sở dịch vụ du lịch như bán đồ ăn uống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương.
- Cần vận động người dân đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú cho khách du lịch theo mô hình homestay. Các hộ dân tham gia làm dịch vụ homestay được lựa chọn theo hướng tận dụng những điều kiện nhà ở sẵn có của hộ, có cải tạo và đầu tư trang bị mới nhưng không nhiều. Trong đó, ưu tiên các hộ dân còn lưu giữ nhà ở theo kiểu kiến trúc truyền thống của địa phương, nhất là kiểu nhà sàn của người Khmer ở vùng Thất Sơn. Khuyến khích các hộ dân phát triển dịch vụ ăn uống kết hợp với cơ sở lưu trú homestay. Đặc biệt, cần chú ý khai thác văn hóa ẩm thực của người Khmer để tạo ra nét độc đáo trong ẩm thực địa phương.
- Chú trọng đầu tư xây dựng khu vệ sinh công cộng đồng bộ và hiện đại để phục vụ du lịch. Đồng thời vận động người dân cải tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, nâng cao ý thức cộng đồng về vệ sinh môi trường.
- Đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề theo hướng chuyển từ hoạt động kinh tế đơn thuần thành điểm tham quan du lịch. Như vậy, cần đầu tư phát triển các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách tham quan du lịch. Đặc biệt, cần chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch tại làng nghề.
- Khai thác các hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với sinh hoạt cộng đồng với các tiết mục múa hát, nhạc ngũ âm, trò chơi dân gian của người Khmer để phục vụ du lịch. Đồng thời, chú trọng khai thác các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch, nhất là Lễ hội đua bò một nét văn hóa độc đáo của người Khmer vùng Thất Sơn, An Giang.
- Thành lập tổ hướng dẫn du lịch kết hợp nghiên cứu xây dựng các bài thuyết minh về văn hóa Khmer để giới thiệu với du khách. Xây dựng tour, tuyến du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng, kết nối với các điểm du lịch khác trong và ngoài địa bàn huyện Tịnh Biên như: Núi Cấm, Trà Sư, Châu Đốc, Hà Tiên, v.v... Tổ chức các chương trình du lịch thử nghiệm (farmtrip) mời đại diện các công ty du lịch, các phóng viên báo đài tham gia để giới thiệu, quảng bá về du lịch cộng đồng của người Khmer ở huyện Tịnh Biên. Đồng thời, thông qua chương trình này để lấy ý kiến đóng góp cải tiến chương trình và hoàn thiện hơn các sản phẩm du lịch.
Cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của vùng núi Thất Sơn cùng với những giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng người Khmer ở huyện Tịnh Biên rất độc đáo mà không nơi nào có được đã tạo nên tiềm năng rất to lớn để phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng người Khmer. Các tiềm năng này lại càng có điều kiện phát huy nếu kết nối với các điểm du lịch hiện có trên địa bàn như: Núi Cấm, Trà Sư và nhiều điểm du lịch khác để tạo nên sự đa dạng cho hoạt động du lịch ở đây. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng người Khmer ở huyện Tịnh Biên cũng còn nhiều khó khăn và thách thức như: vốn kiến thức và kỹ năng du lịch của người Khmer còn rất hạn chế, đời sống của đa số người dân còn nghèo, đường sá giao thông và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa phát triển, v.v...
Vì vậy, để tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng người Khmer ở huyện Tịnh Biên rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan đoàn thể các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã, ấp để cùng chung tay phát triển du lịch cộng đồng nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần C (lntrang)