Mô hình dự báo giá tôm sú xuất khẩu Việt Nam
Nghiên cứu do các tác giả: Lê Nhị Bảo Ngọc - Khoa Kinh tế - Thủy sản, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, Lê Quang Thông - Khoa kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Thái Anh Hòa - Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Tôm sú là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là một ngành quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm tháng đầu năm 2014, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu về cung tôm cho thị trường Mỹ với 206 nghìn tấn tôm xuất khẩu, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2013. Giá trung bình xuất khẩu đạt 12,5 USD/kg, tăng 40%. Những tháng đầu năm 2015, tình hình tiêu thụ tôm trên thế giới trong giai đoạn này lại chưa ổn định nên đã làm cho giá tôm xuất khẩu của Việt Nam qua từng tháng có nhiều biến động, cụ thể giá tôm xuất khẩu sang Trung Quốc và Hàn Quốc cũng giảm lần lượt 28% và 17%. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc giảm do bất ổn kinh tế và sự sụp đổ thị trường chứng khoán đã khiến cho tiêu thụ của tầng lớp trung và thượng lưu nước này giảm mạnh. Tại thị trường Nhật Bản và EU, sản lượng tôm nhập giảm lần lượt 19% và 14% do đồng Yên và đồng Euro giảm giá mạnh so với đồng đô la Mỹ (USD) khiến các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào hoặc tìm cách hạ giá nhập. Ngược lại, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ vẫn tăng nhưng giá giảm 20% từ 12,5 USD/kg xuống còn 10,0 USD/kg (VASEP, 2014, 2015).
Cũng như các mặt hàng nông sản khác, tôm sú đang đối mặt với những biến động giá. Giá tôm sú trên thị trường xuất khẩu biến động thất thường là do công tác mở rộng thị trường của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn còn hạn chế, đồng thời những chính sách về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn (VASEP, 2015). Giá tôm sú xuất khẩu biến động chủ yếu phụ thuộc cung cầu tôm trên thế giới. Năm 2016, cung tôm thế giới có khả năng giảm khoảng 5% so với năm 2015; sản lượng giảm chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam trong khi sản lượng ở Ấn Độ và Indonesia không tăng trưởng. Đây là lý do dẫn đến giá tôm thế giới tăng từ 10%-15% (SCAP, 2016).
Ngành tôm Việt Nam giữ một vai trò chủ lực trong toàn ngành thủy sản và đã góp phần quan trọng vào cơ cấu xuất khẩu, làm gia tăng thu nhập đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. Với xu hướng phát triển mạnh mẽ, thị trường xuất khẩu của mặt hàng tôm Việt Nam ngày càng được mở rộng. Đến năm 2016, Việt Nam xuất tôm đến 92 quốc gia và vùng lãnh thổ và đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3,15 tỷ đồng đô la Mỹ (VASEP, 2017). Mặc dù, có rất nhiều nghiên cứu phân tích về vai trò của tôm, về chuỗi giá trị của tôm và phân tích hiệu quả kinh tế của nuôi tôm ở Việt Nam, tuy nhiên nghiên cứu về giá, đặc biệt là những phân tích dự báo giá bị ảnh hưởng bởi mùa vụ là rất hiếm. Theo Loomis et al., (2000) dự báo có vai trò quan trọng trong xây dựng kế hoạch, chiến lược, phân tích tình huống kinh doanh, lập kế hoạch đầu tư, … Hơn nữa, dự báo là cơ sở cho các quyết định của các cấp quản lý dẫn đến sự thành công. Kết quả khảo sát tại Mỹ và các nước phát triển có đến 92,0% doanh nghiệp khẳng định dự báo là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (Nguyễn Trọng Hoài và ctv., 2009).
Từ những thực trạng trên, việc xây dựng mô hình dự báo giá tôm sú xuất khẩu Việt Nam có độ chính xác cao nhằm cung cấp cơ sở tin cậy cho cơ quan hữu quan trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng các chiến lược kinh doanh phát triển ngành, vùng là thật sự cần thiết. Nghiên này với mục tiêu xây dựng mô hình dự báo giá xuất khẩu thực hàng tháng của tôm sú dựa trên chuỗi số liệu hàng tháng của giá giao lên tàu (Free On Board -FOB) do AgroMonitor cung cấp. Mô hình SARIMA (seasonal autoregressive integrated moving average) được sử dụng để cho phép dự báo sự biến động có tính mùa vụ của giá FOB tôm sú. Kết quả dự báo có thể cung cấp thông tin cho các nhà điều hành, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý sản xuất cũng như các nhà kinh doanh trong tiến trình ra quyết định phương án sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nghiên cứu là nguồn tài liệu bổ sung cho lĩnh vực nghiên cứu còn hạn chế về phân tích thị trường trong ngành thủy sản Việt Nam.
Dự báo giá xuất khẩu có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà lập chính sách để đưa ra quyết định kinh doanh có tính chiến lược. Mục tiêu của nghiên cứu là sử dụng mô hình SARIMA để dự báo giá giao lên tàu (FOB) thực tôm sú ngắn hạn với nguồn số liệu là chuỗi giá tôm sú có kích cỡ 30-40 con/kg theo thời gian từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2016. Kết quả nghiên cứu khẳng định mô hình (2,1,1)(0,1,11)12 là phù hợp để giải thích được sự biến động giá FOB thực của tôm sú trong giai đoạn nói trên. Đồng thời, mô hình dự báo rất đáng tin cậy, giá trị thực của tháng 1 trong năm 2017 nằm trong khoảng tin cậy 95% và gần bằng với giá trị dự báo với điểm sai số dự báo nhỏ.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần D (lntrang)