SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng nông nghiệp thành phố Cần Thơ

[19/07/2019 16:49]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Lương và Võ Thành Danh - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Lý thuyết cho đến thực tiễn đều cho thấy vai trò to lớn của lĩnh vực nông nghiệp đối với nền kinh tế, rất nhiều nhà nghiên cứu kinh tế đã tìm ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp với sự tăng trưởng của nền kinh tế, tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ (Koo and Lou, 1997; Meijerink and Pim, 2007), giữa tăng trưởng nông nghiệp và đa dạng thu nhập cho nông hộ, giảm nghèo đói (World Bank, 2008; Christiaensen, 2011. Vai trò của nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm với sự gia tăng về dân số, mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghiệp, mang lại nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu sản phẩm nông sản và cung cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến (Jonhston and Mellor, 1961; Delgado et al., 1998).

Việt Nam là một nước đi lên từ nông nghiệp, từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới, phải nhập khẩu lương thực – thực phẩm đến quốc gia có thu nhập dưới trung bình và có những vị trí cao trong xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như lúa gạo, cà phê, cao su và thuỷ sản. Đạt được thành công đó chủ yếu là do sự đóng góp của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Trong sự đóng góp đó không thể phủ nhận vai trò to lớn của nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là trong hoạt động sản xuất lúa, thuỷ sản và cây ăn trái. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam trong năm 2013, sản lượng lúa thu hoạch, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác và sản lượng trái cây thu hoạch của ĐBSCL so với cả nước lần lượt là 56,7%, 56,62% và 70,62%.

Mặc dù có những thành công nhất định nhưng tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, tăng trưởng vẫn chủ yếu theo chiều rộng - dựa vào sự gia tăng đầu tư về vốn; tăng diện tích đất canh tác do thâm canh, tăng vụ, hoặc do công tác thuỷ lợi; hoặc do tăng lượng lao động thô mà không phải là do tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực sản xuất hay ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ( Que and Goletti, 2001; Barker et al., 2004; Vu, 2009; Huynh Vĩnh Thanh và Le Sy Tho, 2010).

Với lợi thế và vai trò trong phát triển kinh tế nói chung và ngành kinh tế nông nghiệp nói riêng, thành phố Cần Thơ đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ĐBSCL. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, có rất ít các nghiên cứu về tăng trưởng nông nghiệp ĐBSCL cũng như thành phố Cần Thơ. Để phát huy hết lợi thế của ĐBSCL nói chung trong sản xuất nông nghiệp và vị trí trung tâm về kinh tế của thành phố Cần Thơ nói riêng cũng như hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của các vấn đề về quản lý, chính sách, những điều kiện tự nhiên bất lợi thì cần phải hiểu được nguồn gốc của tăng trưởng nông nghiệp của thành phố Cần Thơ. Vì vậy tăng trưởng nông nghiệp thành phố Cần Thơ được chọn làm vấn đề nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng tăng trưởng cũng như nhận diện được các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 1990 – 2015, từ đó làm cơ sở cho những hàm ý chính sách cho tăng trưởng nông nghiệp thành phố Cần Thơ trong thời gian tới.

Kiểm định Johansen – Jeselius chỉ ra có ba mối quan hệ đồng kết hợp giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập, nghĩa là tồn tại mối quan hệ cân bằng trong dài hạn giữa các biến. Kiểm định Chow cũng được sử dụng để xem xét việc chia tách tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang năm 2004 có ảnh hưởng đến tăng trưởng nông nghiệp không. Kết quả hồi quy hàm sản xuất Cobb – Douglas cho thấy tăng trưởng nông nghiệp thành phố Cần Thơ chủ yếu dựa vào gia tăng vốn vật chất đầu tư vào nông nghiệp, mở rộng diện tích đất canh tác do thuỷ lợi và công nghệ. Vốn vật chất đóng vai trò quan trọng nhất đến tăng trưởng giá trị sản lượng đầu ra ở mức 40,51%, TFP đóng góp 33,28%.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần D (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ