Bước đầu nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng kháng viêm in vitro của lá khế (Averrhoa carambola L.)
Nghiên cứu do các tác giả: Huỳnh Anh Duy - Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ và Nguyễn Thị Tuyết Nhi - Sinh viên ngành Hóa dược, khóa 40, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Viêm là kết quả có tính quy luật của các tác nhân gây viêm xuất hiện trong cơ thể, là quá trình phức hợp giữa điều hòa và phản ứng. Quá trình này dẫn đến các hiện tượng thoát huyết tương, xuyên bạch cầu, tăng sinh tế bào tại ổ viêm và hiện tượng thực bào, gây ra bốn triệu chứng điển hình là sưng, nóng, đỏ và đau. Trong nhiều nghiên cứu, phương pháp xác định khả năng kháng viêm bằng thử nghiệm khả năng ức chế biến tính albumin do nhiệt của các hợp chất từ thiên nhiên được coi là phương pháp nhanh chóng, đơn giản và chính xác cao (Dhingra et al., 2015).
Cây khế (Averrhoa carambola L.) thuộc họ Oxalidaceae, là loại cây đa niên, phân bố ở mọi vùng miền của Việt Nam (Cao Quốc Chánh và Nguyễn Văn Hoan, 2006). Lá của loại cây này thường được sử dụng trong các bài thuốc dân gian chữa nhiều bệnh như: mề đay, mẩn ngứa, mụn nhọt (Đỗ Tất Lợi, 2004). Báo cáo này tập trung nghiên cứu về thành phần hóa học của tinh dầu lá khế, khảo sát và sàng lọc hoạt tính kháng viêm in vitro của cao chiết khác nhau từ lá khế với mục đích bổ sung nguồn dữ liệu nghiên cứu về tác dụng của loài này trong việc hỗ trợ điều trị bệnh.
Vật liệu nghiên cứu: Mẫu lá khế (Averrhoa carambola L.) được thu hái tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long vào tháng 06/2017, được định danh bởi ThS.DS. Lâm Thị Ngọc Giàu, Bộ môn Dược liệu, Trường Cao đẳng Y tế Bạc Liêu, có kiểm chứng lại bằng tài liệu tham khảo (Đỗ Tất Lợi, 2004). Hóa chất: Huyết thanh bò (BSA, Himedia - Ấn Độ), chất chuẩn prednisolone, diclofenac (độ tinh khiết 99,8%) được cung cấp bởi Viện Kiểm nghiệm thành phố Hồ Chí Minh và các hóa chất thông dụng khác.Thiết bị: Bộ chưng cất tinh dầu Clevenger, máy GC-MS Agilent, máy quang phổ UV-Vis và các dụng cụ hỗ trợ khác.
Cao ethanol của lá khế có chứa alkaloid, flavonoid, triterpene, steroid, đường khử, saponin và tannin. Tinh dầu lá khế sau khi chiết xuất bằng phương pháp cất lôi cuốn hơi nước, được phân tích bằng GC-MS cho thấy hiện diện của 7 cấu tử, trong đó, các thành phần chiếm hàm lượng lớn gồm 9-eicosyne (9,62%) và butylated hydroxytoluene (3,02%). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng khảo sát tác dụng kháng viêm in vitro của các cao chiết lá khế bằng thử nghiệm ức chế biến tính albumin bởi nhiệt. Kết quả cho thấy cao phân đoạn ethyl acetate có tác dụng kháng viêm mạnh nhất, tiếp theo là cao phân đoạn dichloromethane; cao ethanol tổng và cao phân đoạn nước với các giá trị IC50 lần lượt là 79,89 μg/mL, 278 μg/mL, 414,64 μg/mL, 695,91 μg/mL khi so sánh với 2 chất đối chiếu là prednisolone (IC50 = 12,88 μg/mL) và diclofenac (IC50 = 36,88 μg/mL). Cao phân đoạn n-hexane cho tác dụng kháng viêm yếu nhất. Những kết quả này lần đầu được báo cáo từ lá khế tại Việt Nam.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần A (lntrang)