SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Truy xuất nguồn gốc: ‘Lợi ích kép’ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

[30/07/2019 10:26]

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm trở thành xu thế cần thiết vì những lợi ích thực tế mà nó mang lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung tâm MSMV Quốc gia đã có trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam xung quanh vấn đề này. 

Là đơn vị được Bộ KH&CN giao chủ trì Đề án của Chính phủ về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Trung tâm MSMV Quốc gia (NBC) – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã và đang triển khai đồng loạt các hoạt động nhằm thúc đẩy Đề án này.

Thưa ông, truy xuất nguồn gốc đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu trong xu thế thương mại và tiêu dùng hiện nay. Ông nhận định như thế nào về xu thế này tại Việt Nam thời gian gần đây?

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ xuất hiện khi hàng hóa Việt Nam đi ra thế giới mà còn ở ngay thị trường nội địa, khi hàng hóa thế giới tiến vào Việt Nam. Việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt là điều rất quan trọng trong cạnh tranh.

Bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng còn muốn biết nhiều hơn về quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm.

Hơn nữa, sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử bộc lộ nhiều yếu điểm đã tiếp tay cho nhiều doanh nghiệp nhập hàng nước ngoài nhưng lại gắn nhãn mác, xuất xứ là hàng Thái Lan, Malaysia, Việt Nam... để bán được giá cao. Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trở thành xu thế cần thiết vì những lợi ích thực tế mà nó mang lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trung tâm MSMV Quốc gia là đơn vị được giao triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, xin ông cho biết Đề án này đã được triển khai như thế nào?

Để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và đúng tiến độ, Trung tâm MSMV Quốc gia đã tiến hành một số công việc như: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước: Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc; Tuyên truyền, quảng bá về kế hoạch triển khai Đề án 100…

Đặc biệt, thời gian qua Trung tâm MSMV Quốc gia đã triển khai dự án thí điểm áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa tại một số địa phương và đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì từ Chương trình thí điểm truy xuất nguồn gốc mà Trung tâm MSMV Quốc gia triển khai?

Với hệ thống truy xuất nguồn gốc doanh nghiệp có thể áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt tiêu chuẩn, kết nối với cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia. Từ đó, quản lý quy trình, chất lượng sản phẩm tốt hơn; lưu trữ, quản lý dữ liệu truy xuất nguồn gốc bài bản, thuận tiện; minh bạch thông tin sản phẩm, nâng tầm giá trị doanh nghiệp; nâng cao giá trị của sản phẩm từ đó tăng giá bán và doanh số bán hàng, từ đó nâng cao niềm tin của khách hàng với sản phẩm.

Hiện Trung tâm MSMV Quốc gia đã có những hoạt động hợp tác với các bên để thuận lợi hóa cho họat động xuất khẩu, ông có thể cho biết rõ hơn hoạt động hợp tác này cụ thể là gì?

Mới đây Trung tâm MSMV Quốc gia đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Truy xuất nguồn gốc CCIC-TTS (trực thuộc Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Hoa - CCIC) về việc cùng nhau xây dựng và khai thác hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc. Bước đầu, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam sẽ được thực hiện trên các mặt hàng hoa quả, trái cây. Các loại hoa quả Trung Quốc đã yêu cầu sẽ được áp dụng thực hiện theo lộ trình: thanh long, chôm chôm, xoài (tháng 8-9), sầu riêng (tháng 11-12). Riêng mảng thủy sản để sang đầu năm 2020. Bên Tập đoàn CCIC sẽ tác động Hải quan Trung Quốc để thông báo thực hiện theo đúng lộ trình, còn Trung tâm MSMV sau khi nhận được thông báo sẽ gửi công văn thực hiện cho toàn bộ 63 tỉnh thành.

Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì khi tham gia vào các thị trường xuất khẩu có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc?

Mỗi thị trường đều có một yêu cầu khác nhau về tiêu chuẩn và cách thức áp dụng truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp cần hiểu rõ các yêu cầu của nước nhập khẩu, liên tục cập nhật sự thay đổi bằng nhiều kênh thông tin chính thống. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu quản lý chất lượng, kiểm soát đầu vào nguyên liệu chặt chẽ, không sử dụng các nguyên liệu không có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

Từ tháng 5/2018, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và đầu tiên là dưa hấu thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm, bao bì trái cây nhập khẩu. Để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Trung tâm MSMV Quốc gia khuyến nghị các thương nhân tuân thủ và thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc với nông sản xuất sang Trung Quốc.

Hà Thủy

www.vietq.vn (nhnhanh)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ