SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát khả năng bảo vệ gan của cao methanol lá Mơ Leo (Paederia scandens L.) trên chuột tổn thương gan bằng carbon tetrachloride

[30/07/2019 16:35]

Nghiên cứu do các tác giả: Phan Kim Định, Nguyễn Thị Thanh Lan, Nguyễn Trọng Tuân và Đái Thị Xuân Trang - Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể. Chức năng quan trọng của gan là chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo; tiết mật; giải độc và lưu trữ các vitamin, sắt và glucose hoặc glycogen (Refaey et al., 2015). Nhiều yếu tố bao gồm rượu, các loại thuốc, các chất gây ô nhiễm môi trường, các hóa chất độc hại, chất phóng xạ… có thể gây stress oxy hóa trong gan (Li et al., 2015). Stress oxy hóa có thể dẫn đến các bệnh về gan, làm mất cấu trúc mô học bình thường của gan như giảm khối lượng tế bào và mất sự lưu thông máu, các hoạt động chức năng của gan có thể bị mất (Nema et al., 2011). Sử dụng chất kháng oxy hóa ngoại sinh là một cách hợp lý để phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan có liên quan đến stress oxy hóa (Medina et al., 2005). Các hợp chất flavonoids và polyphenol ở nhiều loài thực vật đã được chứng minh có khả năng kháng oxy hóa (Srivastava and Choudhary, 2014). Trong trường hợp chưa có thuốc đủ hiệu quả để phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, nhiều nhà nghiên cứu tập trung vào việc tìm kiếm các hợp chất bảo vệ gan từ các sản phẩm tự nhiên (Levy et al., 2004). Các loại dịch chiết từ thực vật được xem là có hiệu quả và an toàn để phòng ngừa hoặc điều trị các rối loạn chức năng gan (Jaishree and Badami, 2010).

Cây Mơ Leo (Paederia scandens L.), thuộc họ Cà phê (Rubiaceae), là cây mọc hoang và được dùng làm thuốc điều trị một số bệnh trong dân gian. Lá Mơ Leo (LML) được dùng để giảm đau, giải độc, chữa nhiều bệnh thường gặp như: ho, các chứng co thắt túi mật và dạ dày ruột, viêm gan vàng da, phong thấp đau nhức gân cốt, viêm da, eczema, lở loét da… (Đỗ Tất Lợi, 2004). Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của Mơ Leo với khả năng kháng viêm trên mô hình chuột bị viêm khớp do gout (Ma et al., 2009), điều hòa miễn dịch trên mô hình chuột bị bệnh thận (Zhu et al., 2012), tác dụng giảm đau trên mô hình chuột bị tổn thương thần kinh (Liu et al., 2012), tác dụng chống co giật và an thần (Yang et al., 2013). Tuy nhiên, các nghiên cứu về khả năng bảo vệ gan của Mơ Leo còn hạn chế.

Thiết bị được sử dụng trong thí nghiệm gồm máy cô quay chân không (Heidolph, Đức), máy cắt microtome (RM2125RT, Leica, Đức), kính hiển vi (Olympus, Nhật), cân phân tích (AB104-S, Mettler Toledo, Thụy Sĩ), tủ sấy (UM 200, Memmert, Đức).

Hóa chất được sử dụng trong thí nghiệm gồm methanol (Trung Quốc), carbon tetrachloride (Trung Quốc), dầu olive (Olivoilà, Ý), tinh chất silymarin (Sigma Aldrich) và một số hóa chất khác.

Vật liệu thí nghiệm là lá Mơ Leo (Paederia scandens L.) được thu hái tại Cần Thơ, được định danh dựa vào hình thái cơ quan thực vật theo Phạm Hoàng Hộ (2003).

Đối tượng thí nghiệm là chuột nhắt trắng (Mus musculus var Albino) khỏe mạnh, trọng lượng từ 20–25 g do Viện Pasteur–Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp, được nuôi ở phòng thí nghiệm Bộ môn Sinh học, Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ ở nhiệt độ phòng và chu kỳ sáng tối 12/12 giờ.

Hiệu quả bảo vệ gan của cao lá Mơ Leo - LML (Paederia scandens L.) được khảo sát trên chuột tổn thương gan bằng carbon tetrachloride (CCl4). Chuột được gây tổn thương gan bằng CCl4 pha trong dầu olive với tỷ lệ 1:4 với liều uống là 2,5 ml/kg/ngày và uống mỗi ngày trong thời gian 4 tuần. Hiệu quả bảo vệ gan của cao LML được khảo sát bằng cách cho chuột uống cao LML ở các nồng độ 100, 200 và 400 mg/kg trọng lượng chuột sau 1 giờ uống CCl4. Silymarin được sử dụng như đối chứng dương. Kết quả thí nghiệm cho thấy, sau 4 tuần thí nghiệm, hàm lượng các enzyme AST giảm lần lượt 94,2%, 98%, 99%, enzyme ALT giảm lần lượt 91,6%, 93,5%, 95,2%. Hiệu quả bảo vệ gan của cao LML có thể so sánh tương đương với sylimarin liều 16 mg/kg trọng lượng chuột. Quan sát tiêu bản hiển vi lát cắt ngang gan chuột cho thấy mô gan của nhóm chuột được điều trị bằng cao LML nồng độ 200 và 400 mg/kg cải thiện đáng kể so với nhóm chuột không được điều trị. 

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần A (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ