Đánh giá hoạt động khai thác thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thanh Long, Huỳnh Văn Hiền, Mai Viết Văn, Trần Đắc Định - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ và Naoki Tojo - Trường Đại học Hokkaido, Nhật Bản thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Ngành thủy sản Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua, sản lượng thủy sản cả nước không những tăng về số lượng mà chất lượng ngày càng được cải thiện đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thủy sản. Năm 2016 tổng sản lượng thủy sản đạt 6,8 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác thủy sản là 3,16 triệu tấn, chiếm 46,4% tổng sản lượng thủy sản, giá trị xuất khẩu đạt 7 tỷ USD, đã đóng góp quan trọng vào cơ cấu GDP của cả nước (Tung tâm Tin học - Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2016).
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với bờ biển dài trên 780 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước, vùng kinh tế đặc quyền khoảng 297.000 km2, giáp biển Đông và Vịnh Thái Lan, vùng thềm lục địa có thế mạnh về thủy sản với trữ lượng thủy sản ước tính trên 2,5 triệu tấn và khả năng khai thác khoảng 830.000 tấn/năm, rất thuận lợi cho các nghề khai thác thủy sản phát triển (Lê Văn Ninh, 2006). Năm 2016 sản lượng khai thác thủy sản ở ĐBSCL đạt 1,28 triệu nghìn tấn, chiếm 40,6% tổng sản lượng khai thác thủy sản (KTTS) của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2017). Nghề khai thác thủy sản ở ĐBSCL đa dạng về loại ngư cụ và kích cỡ, chủ yếu là các nghề lưới rê, lưới kéo, nghề lưới đáy và rập xếp vì các nghề này có số lượng tàu và sản lượng khai thác lớn (Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Thanh Phương, 2010).
Tuy nhiên, hoạt động KTTS trong những năm gần đây đã gặp nhiều khó khăn và thách thức về nguồn lợi thủy sản, giá của nhiều vật tư, nhiên liệu ngày càng tăng làm ảnh hưởng đến hoạt động của nghề KTTS. Để hiểu rõ tình hình hoạt động và những khó khăn của nghề KTTS để có giải pháp khắc phục thích hợp thì việc nghiên cứu đánh giá thực trạng nghề khai thác hải sản ở ĐBSCL là cần thiết.
Nghiên cứu hoạt động khai thác thủy sản được thực hiện từ tháng 7- 12/2017 ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu long. Kết quả cho thấy nghề lưới rê, lưới kéo, nghề lưới đáy và rập xếp là các nghề khai thác chủ lực chiếm số lượng tàu và sản lượng cao. Tất cả các nghề có thể khai thác quanh năm. Tàu lưới rê có qui mô lớn nhất nhưng sản lượng một năm của tàu lưới kéo lại cao nhất. Nghề lưới rê khai thác có hiệu quả nhất với lợi nhuận đạt cao nhất (298 triệu đồng/năm). Nghề lưới kéo đạt sản sản lượng cao nhất (20,42 tấn/năm) nhưng tỉ lệ cá tạp cao (38,4%) và tỉ suất lợi nhuận đạt thấp nhất (0,45 lần). Mặc dù nghề lưới đáy đạt tỉ suất lợi nhuận cao (1,41 lần) nhưng sản lượng thấp (7,17 tấn/năm) và tỉ lệ cá tạp cao (30,9%), vì vậy nghề này ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Nghề rập xếp có tỉ lệ cá tạp cao (23,8%). Để nghề khai thác phát triển ổn định, cán bộ quản lý thủy sản cần đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất, và tập huấn ngư dân biết sử dụng các thiết bị khai thác nhằm tăng hiệu quả khai thác của họ.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần B (lntrang)