SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực nghiệm ương ấu trùng tôm sú (Penaeus monodon) với các mô hình khác nhau

[31/07/2019 15:31]

Nghiên cứu do các tác giả: Trần Ngọc Hải và Lê Quốc Việt - Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn, trong đó nuôi tôm nước lợ, đặc biệt là mô hình nuôi tôm sú ngày càng phát triển. Theo Tổng cục Thủy sản (2017), năm 2016 có 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú đạt sản lượng trên 40 tỷ con giống và diện tích nuôi tôm cả nước đạt 649.645 ha với sản lượng đạt 657.282 tấn. Bên cạnh đó, cùng với việc tăng nhanh về diện tích, mức độ nuôi thâm canh ngày càng cao đã làm môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm, tình hình dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều. Để nghề nuôi tôm sú phát triển bền vững thì chất lượng con giống là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của nghề nuôi. Tổng cục Thủy sản (2013) cho rằng các dòng vi khuẩn như Vibrio bao gồm V. parahaemolyticut và V. harveyi là hai loại vi khuẩn chính gây bệnh cho tôm và gây chết cho ấu trùng tôm, Vibrio sống tốt ở môi trường nước mặn (20 – 40‰). Chúng là các mầm bệnh cơ hội khi sức đế kháng của tôm bị suy yếu (Lightner, 1993). Do đó, xu hướng hiện nay áp dụng các quy trình công nghệ cao vào sản xuất giống nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, cải thiện năng suất và chất lượng tôm giống; nhằm góp phần hạn chế sử dụng kháng sinh trong ương giống ngày càng được quan tâm như khi ương trong hệ thống lọc tuần hoàn thì tỷ lệ sống trung bình đạt 43,5% (Nguyễn Văn Thắng, 2014). Tuy nhiên nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và đánh giá năng suất để tìm ra mô hình sản xuất giống đạt hiệu quả cao và chất lượng tôm giống được cải thiện, nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu nhằm xác định mô hình ương ấu trùng tôm sú thích hợp cho tăng trưởng, tỷ lệ sống và nâng cao chất lượng tôm giống.

Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức: (i) ương ấu trùng trong hệ thống tuần hoàn; (ii) thay nước, (iii) sử dụng chế phẩm yucca và (iv) ứng dụng công nghệ biofloc. Bể ương có thể tích 500 L, ấu trùng được bố trí ở giai đoạn nauplius 4 có chiều dài 0,41±0,02 mm, mật độ 150 con/L và độ mặn 30‰. Khi ấu trùng chuyển sang giai đoạn Mysis-1, thì bắt đầu vận hành hệ thống tuần hoàn, thay nước (3 ngày/lần), sử dụng chế phẩm yucca (10 mL/m3/lần/3 ngày) và nghiệm thức biofloc được bổ sung carbohydrate từ rỉ đường tương ứng với tỷ lệ C:N = 30:1. Kết quả sau 19 ngày ương, các yếu tố môi trường nước đều nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng và hậu ấu trùng của tôm sú. Trung bình chiều dài ấu trùng tôm của các nghiệm thức ở giai đoạn Zoea-1, Mysis-1, post larvae (PL) 1 và PL5 khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05); đến giai đoạn PL10, chiều dài tôm ở nghiệm thức sử dụng chế phẩm yucca là 9,60 mm và nghiệm thức tuần hoàn là 9,58 mm, khác biệt không ý nghĩa so với chiều dài tôm ở nghiệm thức ứng dụng biofloc (9,24 mm), nhưng khác biệt có nghĩa so với nghiệm thức thay nước (8,86 mm). Tương tự, tỷ lệ sống của tôm ở giai đoạn PL10 đạt cao nhất ở nghiệm thức sử dụng chế phẩm yucca (51,9%), khác biệt có nghĩa so với nghiệm thức thay nước (36,9%) và ứng dụng biofloc (42%); tuy nhiên, khác biệt không có ý nghĩa so với nghiệm thức tuần hoàn (43,9%).

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần B (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ