Điều tra hiện trạng nuôi trồng thủy sản lợ mặn cao triều ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam
Nghiên cứu do các tác giả: Trương Văn Đàn, Mạc Như Bình, Phạm Thị Ái Niệm, Hà Nam Thắng - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế; Vũ Ngọc Út - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ; Nguyễn Thành Luân - Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển, Viện Khoa học Thủy Lợi Việt Nam thực hiện.
Bản đồ xã Phú Mỹ
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế trải dài từ cửa sông Ô Lâu đến cửa biển Tư Hiền với diện tích 21.600 ha, thuộc địa phận năm huyện, thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc (Nguyễn Huy Anh, 2011). Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang hình thành nhiều vùng nuôi tôm tập trung với quy mô từ 10 đến 50 ha (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, 2010). Những năm trở lại đây, vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở xã Phú Mỹ quanh đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có sự phát triển rất mạnh cả về quy mô lẫn diện tích. Tổng diện tích nuôi cao triều và thấp triều của cả xã Phú Mỹ là 64,8 ha (Lê Công Tuấn và Lê Thị Hạnh, 2009). Do đó, vấn đề quản lý vùng nuôi cần được quan tâm nhiều hơn nữa để nghề NTTS ở xã Phú Mỹ được phát triển bền vững hơn.
Trong thủy sản, hệ thống thông tin địa lý (GIS) đã được ứng dụng kể từ giữa những năm 1980. Đầu thập niên 90, GIS mới áp dụng rộng rãi vào nghiên cứu các vùng NTTS (Aguilar-Manjarrez and Ross, 1995). GIS mang lại khả năng phân tích và biểu diễn rất nhiều dữ liệu được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau. Vì thế, GIS có khả năng hỗ trợ quản lý, lập ra kế hoạch, quyết định việc phát triển thủy sản (Meaden and Do, 1996). Thêm vào đó, GIS còn cung cấp các công cụ để số hóa bản đồ, xây dựng các bản đồ về các đối tượng trên mặt đất như vị trí ao hồ, kênh nước thải, vị trí nò sáo…
Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu ứng dụng GIS trong lĩnh vực NTTS còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung vào quy hoạch tổng thể cho các vùng ven biển hoặc một mảng đề tài nhỏ của các dự án. Tuy nhiên, các nghiên cứu ứng dụng GIS này mới chỉ dừng lại ở mức vẽ bản đồ quy hoạch vùng, chưa đi sâu vào điều tra, phân tích thông tin thuộc tính và không gian (Lê Công Tuấn và Lê Thị Hạnh, 2009).
Chính vì vậy, việc xây dựng bản đồ hiện trạng NTTS lợ mặn cao triều ở đầm phá xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang với sự hỗ trợ của công cụ GIS được tiến hành để giúp quản lý, kiểm soát tình hình nuôi trồng ở vùng đầm phá xã Phú Mỹ, làm cơ sở để đánh giá hiện trạng vùng nuôi một cách tổng quát, làm nguồn dữ liệu để phục vụ cho công tác quy hoạch bền vững NTTS trên địa bàn xã Phú Mỹ, đồng thời cung cấp thông tin vùng nuôi cho cộng đồng một cách đơn giản, dễ hiểu, trực quan và nâng cao nhận thức trong việc NTTS.
Hiện trạng nuôi trồng thủy sản lợ mặn cao triều ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được nghiên cứu từ tháng 4 - 11 năm 2017. Nghiên cứu đã điều tra 33 hộ về nuôi trồng thủy sản, kết hợp kỹ thuật GIS với vị trí ao nuôi từ định vị GPS để tạo ra các bản đồ thuộc tính như: diện tích nuôi, đối tượng nuôi, hình thức nuôi, chăm sóc quản lý và hiệu quả về kinh tế. Kết quả đã xây dựng được các bản đồ về vector tất cả các khía cạnh trên. Đối tượng nuôi chủ yếu là là tôm sú, cua, cá dìa và cá kình với hình thức nuôi ghép chiếm 99,1%. Mỗi đối tượng nuôi có mật độ khác nhau: tôm sú là 1,5 - 5 con/m2, cá và cua dưới 1 con/m2. Các loài này được nuôi 2 - 3 vụ/năm. Công tác xử lý nước vào ao được quan tâm nhưng chưa xử lý triệt để các yếu tố ô nhiễm. Nước thải hầu như không được xử lý. Hiệu quả hoạt động nuôi chưa cao với tỷ suất lợi nhuận từ 0,4 - 1,0.
Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần B (lntrang)