Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thúc đẩy giá trị đặc sản địa phương
Cùng với bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang dần trở thành tiêu chuẩn quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất và nâng cao hiệu quả KT-XH.
Chuối tiêu hồng Khoái Châu (Hưng Yên) được cấp giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các địa phương và doanh nghiệp, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị thương hiệu lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.
Thông tin từ Văn phòng Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), Cục Sở hữu trí tuệ đã bảo hộ cho khoảng hơn 900 đối tượng có dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 72 chỉ dẫn địa lý, gần 200 nhãn hiệu chứng nhận và hơn 600 nhãn hiệu tập thể.
Tại Hội nghị quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực do Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên vừa tổ chức, các ý kiến đại diện cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã làm rõ vai trò của ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trong quản lý phát triển nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, thời điểm này không áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ rất khó để xuất khẩu, kể cả thị trường Trung Quốc. Vì vậy cần phải tuyên truyền cho nông dân hiểu được khi họ áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ được hưởng những ưu đãi gì, đem lại quyền lợi gì có như vậy người dân mới tích cực tham gia.
Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần đi cùng với nông dân, triển khai hướng dẫn cho người nông dân có thể áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc.
Tỉnh Hưng Yên hiện có 16 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ như tương Bần, nhãn lồng, quất cảnh Văn Giang, gà Đông Tảo, chuối tiêu hồng Khoái Châu, vải lai chín sớm Phù Cừ... Sau khi được bảo hộ, sản phẩm tăng giá trị lên 20%.
Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ đang là yêu cầu cấp thiết để tránh tình trạng xâm phạm nhãn hiệu được bảo hộ.
Điển hình như sản phẩm gà Đông Tảo được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể ngày 16/7/2015. Theo đó, giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể gà Đông Tảo Hưng Yên được cấp cho Hội chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo huyện Khoái Châu với tổng số 86 hội viên ở các xã: Đông Tảo, Tân Dân, Bình Minh và Dạ Trạch.
Các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Thịt gà đã chế biến; thực phẩm làm từ thịt gà; gà sống, gà thịt còn sống; mua bán thịt gà đã chế biến, thực phẩm làm từ thịt gà, gà giống, gà thịt còn sống.
Tuy nhiên, sản phẩm này đang đối mặt với khó khăn trong việc quản lý sử dụng nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm và cách thức tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.
Việc ứng dụng công nghệ trong phát triển thương hiệu và truy xuất nguồn gốc để quản lý và phát triển các sản phẩm nông sản đặc thù được bảo hộ sở hữu trí tuệ được đánh giá có thể thắt chặt mối liên kết, tương tác đa chiều giữa 4 “nhà”: Nhà quản lý - Doanh nghiệp - Người sản xuất - Người tiêu thụ. Qua đó, giúp nâng tầm vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.
Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được Bộ KH&CN giao thực hiện triển khai Đề án này.
Hiện, công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc không chỉ được các bộ ngành, địa phương thực hiện rốt ráo mà trong hoạt động thúc đẩy xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc cũng đang được Bộ KH&CN quan tâm thúc đẩy.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, để triển khai Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tại 63 tỉnh thành, 8 Bộ chuyên ngành để xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai. Mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng ứng dụng các công nghệ để truy xuất nguồn gốc, vượt qua rào cản các nước đối tác đặt ra.
Với sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chủ động tích cực, phối hợp với các cơ quan liên quan để tìm hướng đi thích hợp với các giải pháp tốt nhất, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt, mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã làm việc Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Hoa (CCIC) và ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc đối với 8 loại nông sản Việt Nam như: nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu… Đây là hành động rất thiết thực giúp nông sản của chúng ta vượt qua rào cản.
Ông Nguyễn Hoàng Linh cũng cho biết, hiện Bộ KH&CN đang phối hợp thực hiện nhiều nội dung liên quan truy xuất nguồn gốc như xây dựng thông tư hướng dẫn truy xuất nguồn gốc, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện các tiêu chuẩn cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng tích cực triển khai xây dựng cổng thông tin về truy xuất nguồn gốc, xây dựng các mô hình thí điểm về truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm. Trong đó, đặc biệt hướng về những sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa xuất khẩu.
Bảo Anh