SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng công nghệ cao: Giải pháp nâng cao năng suất cho doanh nghiệp gỗ

[01/08/2019 09:34]

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đã quan tâm, đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất chất lượng.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp các doanh nghiệp gỗ nâng cao năng suất chất lượng. 

Tính đến nay, cả nước đã có khoảng 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó chiếm 95% là các doanh nghiệp tư nhân. Khoa học, công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ đã trở thành nguồn lực quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm kết cấu, mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng khó tính của thị trường, nhất là đối với mặt hàng cao cấp về chất lượng và mỹ thuật.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu, đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào nước ngoài; tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Lao động của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ cũng đang tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện, cả nước có khoảng 500 nghìn lao động nghề gỗ, trong đó lao động được đào tạo, có việc làm ổn định chiếm 50 đến 60%. Thị trường xuất khẩu ổn định đang trở thành một trong những cơ hội được ngành gỗ phát huy, tận dụng hiệu quả.

Là doanh nghiệp đang đầu tư khá bài bản cho công nghệ mới, bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM & SX Sao Nam cho biết, với mục tiêu xuất khẩu đạt 20 triệu USD trong năm 2019, công ty đã đầu tư nhiều hệ thông máy móc, thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu đơn hàng của các thị trường. “Trước đây chúng tôi đã làm theo chuỗi nhập máy móc của Đức, chúng tôi chú trọng trong lĩnh vực ván sàn là sử dụng công nghệ của Đức, Ý, Áo. Năm nay chúng tôi cũng sẽ đầu tư theo quy trình đó, và tăng thêm máy móc để đạt được mục tiêu xuất khẩu”, bà Loan chia sẻ.

Trên thực tế không chỉ Công ty Sao Nam mà đây là hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ trên khắp cả nước đang đẩy mạnh triển khai. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific, ngoài đẩy mạnh trồng rừng qua liên kết với các hộ nông dân thì từ năm 2018 tới nay doanh nghiệp này đã bắt đầu mở rộng đầu tư với số vốn lên tới vài triệu USD. Tương tự, để đáp ứng các đơn hàng mang tính công nghiệp cao từ nhà nhập khẩu, Công ty CP Kiến trúc xây dựng AA cũng vừa nhập về một chiếc máy chế biến gỗ có giá lên tới hơn 1 triệu USD.

Tại doanh nghiệp tư nhân chế biến gỗ Mạnh Tuyên ở cụm công nghiệp Tân Hồng (Bình Giang, Hải Dương) đã đầu tư hàng chục tỉ đồng sắm máy móc thiết bị. Anh Tuyên – chủ doanh nghiệp chia sẻ rằng tuy vốn đầu tư ban đầu cho máy móc cao tuy nhiên đã giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, giao hàng đúng tiến độ và đặc biệt là với máy móc giúp nâng cao năng suất sản xuất so với trước đây.

Giống như doanh nghiệp tư nhân Mạnh Tuyên, ông Nguyễn Đăng Quý – chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất gỗ gia dụng ở làng nghề mộc Đức Minh phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cũng đã đầu tư máy cưa bàn trượt cho hoạt động sản xuất. Đầu tư công nghệ đã giúp cho doanh nghiệp ông Quý tăng năng suất sản xuất ván gỗ làm cửa. Trước đây doanh nghiệp cần 02 người cùng làm liên tục trong 5 tiếng để cho ra một ván gỗ thì nay với máy cưa bàn trượt đã giảm nhân công còn 01 người và chỉ cần làm trong khoảng 1 tiếng là hoàn thành. Không những thế, sản phẩm các tấm gỗ có độ dày mỏng chính xác hơn so với phương pháp sản xuất thủ công trước đây.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, không riêng gì ngành chế biến gỗ mà các ngành hiện nay đều phải có năng suất lao động cao, chất lượng tốt. Muốn vậy phải áp dụng công nghệ mới, mà muốn có công nghệ mới phải có kinh phí, phải có người, công nhân vận hành kỹ thuật cao, phải có tay nghề cao. Bên cạnh đó, việc đào tạo công nhân công nghệ cao cũng phải được chú trọng hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu vận hành máy móc hiện đại.

www..vietq.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ