Đồ chơi nam châm: Mối nguy cho trẻ nhỏ
Đồ chơi nam châm có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy kích cỡ được quảng cáo là đồ chơi thông minh đang bán phổ biến trên thị trường. Thế nhưng, món đồ chơi này lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm dành cho trẻ nhỏ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nên thận trọng với đồ chơi nam châm và lựa chọn đồ chơi chất lượng phù hợp với lứa tuổi để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Vừa qua, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận trường hợp bé trai 4 tuổi bị thủng ruột do nuốt 8 thanh nam châm. Theo BS Nguyễn Hiền – Bệnh Viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp tiếp nhận trường hợp bé trai 4 tuổi, địa chỉ ĐakLak nhập viện với tình trạng đau bụng âm ỉ 2 ngày.
Sau khi khám và hình ảnh phim Xquang cho thấy có dị vật cản quang trong ổ bụng. Theo lời kể của mẹ bé, cháu bé hay chơi các thanh nam châm có hình dạng tương tự như trên phim Xquang.
Tiến hành phẫu thuật, ThS.BS Lê Thọ Đức ghi nhận bệnh nhi bị thủng ruột nhiều nơi do 8 thanh nam châm ở các quai ruột khác khít lại với nhau, tì đè lên thành ruột gây thủng ruột. Sau đó các bác sĩ tiến hành cắt nối, khâu lại các vị trí ruột thủng. Hiện, tình trạng bệnh nhi đã ổn định.
Theo các bác sĩ, đây không phải trường hợp đầu tiên bị dị vật đồ chơi, tại bệnh viện Nhi Đồng 2, hàng ngày tiếp nhận khoảng 2-3 trường hợp nuốt dị vật, tuỳ tình trạng của bệnh nhi và các loại dị vật mà có cách xử trí khác nhau.
Theo các bác sĩ với các dị vật tròn, không sắc cạnh có thể theo dõi ngoại trú. Nhưng với các vật sắc nhọn như tăm tre, kẽm gai, đầu kim... bắt buộc phải theo dõi tại bệnh viện để đề phòng các biến chứng xảy ra sau khi dị vật qua dạ dày có thể đâm thủng ruột. Triệu chứng khởi phát thường là đau bụng ngày càng tăng, tiêu phân có máu, sốt, chán ăn. Do đó, các bậc cha mẹ nên chú ý khi bé than đau bụng, cần hỏi thăm bé có nuốt vật gì lạ không và đưa đến khám, tránh biến chứng đáng tiếc.
Các chuyên gia khuyên phụ huynh cần cảnh giác khi trẻ chơi đồ chơi có nam châm, kim loại. Nếu con lỡ nuốt phải, cần bình tĩnh xác định chính xác dị vật nuốt là gì và đưa ngay tới bệnh viện kiểm tra, xử lý. Khi trẻ có các dấu hiệu sau khi nuốt dị vật như: nôn ói, ói dây máu, đau bụng, quấy khóc, da xanh tái, lạnh tay chân thì cần cấp cứu ngay.
Tất cả các dị vật đường tiêu hóa, chỉ có thể nội soi gắp ra khi chúng chưa di chuyển sang dạ dày. Nếu dị vật đã lọt vào tá tràng thì phải mổ hở. Ngay cả khi nội soi gắp dị vật các bác sĩ cũng rất cân nhắc, bởi đối với trẻ nhỏ sẽ có nhiều nguy cơ.
Khi nuốt dị vật, trẻ không được phát hiện, xử trí kịp thời bé có thể phải chịu các di chứng như: trầy xước niêm mạc ruột, dạy dày, lủng ruột, lủng dạ dày, xuất huyết nội, sốc và tử vong.
Tại Canada, Bộ Y tế nước này cấm loại đồ chơi này vì chúng gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ khi không may nuốt phải, có thể dẫn đến dính hoặc tắc ruột, thậm chí thủng ruột và tử vong vì có nhiều trường hợp trẻ cấp cứu vì nuốt phải nam châm đồ chơi.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Bệnh viện nhi Toronto, loại nam châm đồ chơi mới có thể hút kết nhau từ nhiều điểm trong đường ruột, hủy hoại chỗ thành ruột bị kết dính, gây nhiễm trùng và thủng ruột đe dọa đến tính mạng.
Các nhà khoa học cho biết, trong trường hợp nuốt phải nam châm đồ chơi, cơ thể sẽ vẫn bình thường như nuốt phải các vật trơn khác. Tuy nhiên, nếu nuốt nhiều nam châm đồ chơi ở các thời điểm khác nhau, tình trạng sẽ trở nên nguy hiểm vì các nam châm có thể hút nhau qua thành ruột hoặc dạ dày.
Uyên Chi