Xét nghiệm máu chẩn đoán chính xác Alzheimer trước 20 năm
Khó khăn trong chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu là một trong những thách thức lớn nhất trong nghiên cứu điều trị bệnh Alzheimer. Thông thường, khi phát hiện thì bệnh nhân đều có biểu hiện suy nhược và đã ở giai đoạn muộn của bệnh lý.
Hình minh họa. Nguồn: Shutterstock
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y dược Đại học Washington đã phát triển phép xét nghiệm máu có tỉ lệ chính xác lên tới 94%, phát hiện sớm bệnh Alzheimer trước khoảng 20 năm khi các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Neurology.
Bài xét nghiệm dựa trên nồng độ amyloid-beta trong máu. Đây là yếu tố dự đoán lượng protein được tổ hợp trong não. Đây được coi là phiên bản nâng cấp của bài xét nghiệm được công bố hai năm trước, sử dụng phương pháp khối phổ đo tỉ lệ amyloid-beta 42 và amyloid-beta 40 trong máu. Tỉ lệ đo sẽ được đem ra đối chiếu với độ tuổi và sự có mặt của biến thể gene APOE4 trong cơ thể bệnh nhân – hai yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Thử nghiệm được thực hiện trên 158 người trưởng thành, có độ tuổi trên 50. Trong đó, có 10 người được cho là có trạng thái hoàn toàn bình thường. Mỗi bệnh nhân được yêu cầu thực hiện các phương pháp chẩn đoán Alzheimer thông thường, bao gồm thử máu và chụp positron cắt lớp (PET). Kết quả chụp chiếu và xét nghiệm máu sau đó sẽ được gắn nhãn âm tính hoặc dương tính với amyloid.
Các phương pháp thông thường phát hiện dấu hiệu bệnh chính xác trên 88% số bệnh nhân. Khi xét thêm các yếu tố khác như độ tuổi (nguy cơ mắc bệnh tăng cao gấp đôi sau mỗi 5 năm), APOE4 (người có biến thể gene này có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 đến 5 lần người không có) và giới tính (cứ 2 bệnh nhân nữ sẽ có 1 bệnh nhân nam), độ chính xác của phép thử máu đã lên tới 94%.
Thú vị là, kết quả thử máu ở một số người được coi là bình thường ban đầu lại cho ra kết quả dương tính với bệnh Alzheimer. Ban đầu, kết quả chụp PET ở những người này là âm tính, ngược lại với kết quả thử máu. Tuy nhiên, kết quả chụp cắt lớp não đã chứng minh tình trạng bệnh. Điều này cho thấy có thể xét nghiệm máu có khả năng phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu và cho kết quả đáng tin cậy hơn phương pháp chụp PET – tiêu chuẩn vàng trong phát hiện bệnh Alzheimer hiện tại.
Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn hoặc khiến bệnh ngừng phát triển, nhưng chẩn đoán và phát hiện bệnh từ sớm có thể hỗ trợ nghiên cứu điều trị, thực hiện thử nghiệm trên bệnh nhân ở giai đoạn đầu trước khi các triệu chứng bệnh phát tác.
Nhóm nghiên cứu hi vọng bài xét nghiệm máu tương tự có thể có mặt tại các cơ sở y tế địa phương trong thời gian sớm nhất.
Công Nhất