Triển khai mạnh hoạt động quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các địa phương
Bên cạnh việc triển khai thực hiện quy chuẩn quốc gia (QCVN), các Chi cục đã quan tâm hơn đến vấn đề tổ chức xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho sản phẩm, hàng hoá đặc trưng của tỉnh.
Bến Tre đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm thạch dừa.
Hoạt động quản lý tiêu chuẩn và quy chuẩn, thời gian qua đã được các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Chi cục) triển khai mạnh mẽ ở các địa phương. Các Chi cục tiếp tục thực hiện hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hoá, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố phù hợp tiêu chuẩn, đăng ký mã số mã vạch theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hiện hành.
Với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới trong thời gian vừa qua của các cấp có thẩm quyền, các cơ sở, doanh nghiệp cũng đã quan tâm hơn đến công tác xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố phù hợp tiêu chuẩn.
Theo báo cáo các Chi cục, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 các Chi cục đã hướng dẫn cho khoảng 1000 cơ sở, doanh nghiệp xây dựng khoảng 900 TCCS (tập trung vào các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hậu Giang, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ninh, Lào Cai); khoảng 1.400 cơ sở, doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn áp dụng cho hơn 1.500 loại sản phẩm hàng hóa (tập trung vào các tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Sơn La, Bình Định...); cấp hơn 1.000 thông báo tiếp nhận công bố hợp chuẩn (tập trung vào các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Long An...). Bên cạnh hoạt động tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, một số Chi cục đã tiến hành kiểm tra hồ sơ công bố hợp chuẩn, tính đến nay có khoảng 18 Chi cục thực hiện với tổng số hơn 600 hồ sơ đã công bố.
Đối với hoạt động quản lý quy chuẩn kỹ thuật, các Chi cục tiếp tục tiếp nhận các thông báo công bố hợp quy của các cơ sở, doanh nghiệp. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, các Chi cục đã cấp hơn 1.400 thông báo tiếp nhận công bố hợp quy (tập trung vào các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Cần Thơ, Hải Phòng, Hưng Yên...).
Bên cạnh việc triển khai thực hiện QCVN, một số Chi cục đã quan tâm hơn đến vấn đề tổ chức xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho sản phẩm, hàng hoá đặc trưng của tỉnh, thành phố như Bến Tre đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm thạch dừa; Đăk Lăk đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng trong sinh hoạt; Tiền Giang đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm mắm tôm chà Gò Công; Thừa Thiên Huế đang xây dựng quy chuẩn địa phương cho sản phẩm Ruốc Huế; Bình Phước cho Hạt điều nguyên liệu; Hà Giang cho sản phẩm Mật ong bạc hà; An Giang cho sản phẩm Đường thốt nốt,…
Thông tin từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, không chỉ đẩy mạnh thực hiện triển khai áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho hàng hóa, nhiều địa phương với sự hỗ trợ của Chi cục, việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc và ứng dụng mã số mã vạch vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố cũng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý và người tiêu dùng trong quá trình giám sát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.
Mức độ hài hòa của TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực đạt 54%
Đánh giá về kết quả sau 8 năm triển khai Chương trình 712 về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa,ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, với mục tiêu trọng tâm của Chương trình 712 là hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước đối với hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) theo hướng ưu tiên các sản phẩm hàng hóa chủ lực trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh hài hòa tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; tăng cường xã hội hóa hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, tạo bước tiến rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm, doanh nghiệp và cả nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập. Đến nay, với sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành, địa phương, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia có khoảng 10.500 TCVN, mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực đạt 54% (mục tiêu đến năm 2020 là 60%).
Theo ông Linh, hệ thống TCVN cũng thường xuyên được điều chỉnh và sửa đổi, soát xét và xây dựng mới nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại phù hợp với thông lệ của quốc tế. Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh và thương mại đối với các nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực.
|
Bảo Anh