Đề án xây dựng nông thôn mới: Cần phát huy sức mạnh cộng đồng
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, UBND tỉnh đã ban hành Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2010 – 2020. Đây là một đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phát triển nông thôn một cách toàn diện, nâng cao đời sống người dân về mọi mặt và được thực hiện chủ yếu theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng.
Sức bật mới cho nông thôn Đồng Tháp
Từ trước đến nay, khu vực nông thôn luôn được xem
là nơi mà tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng, diện tích đất nông nghiệp giảm do quá trình công nghiệp hoá và
hiện đại hoá. Hệ thống giáo dục, y tế chưa được đầu tư đúng mức. Đề án xây dựng
nông thôn mới hy vọng sẽ tạo một sức bật mới cho nông thôn Đồng Tháp.
Căn cứ vào 19 tiêu chí cụ thể trong Bộ Tiêu chí về
nông thôn mới tỉnh Đồng Tháo đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định
484/QĐ-UB ngày 18/6/2010 của UBND tỉnh Đồng Tháp, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm
2015, xây dựng 30/119 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; đạt tỷ lệ 25,2% và đến
năm 2020, xây dựng 60/119 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; đạt tỷ lệ 50,4%.
Theo đó, các xã nông thôn mới có nền kinh tế phát
triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao. Nông
thôn phát triển theo quy hoạch, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công
nghiệp, dịch vụ và đô thị với hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, bản sắc văn hoá
được bảo tồn, môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp. Chất lượng hệ thống chính
trị, trình độ dân trí được nâng cao.
Rất cần thể chế, chính sách “thông minh”
Xây
dựng nông thôn mới là một vấn phức tạp vì liên quan đến nhiều ngành, nhiều
chính sách và hoạt động có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khu vực nông
thôn và đời sống của người dân. Do đó, Ban Chỉ đạo chương trình phải xây dựng
quy chế, kế hoạch hoạt động; hoàn thành việc rà soát, đánh giá thực trạng nông
thôn mới ở toàn bộ 119 xã của tỉnh, lập Đề án xây dựng nông thôn mới ở từng xã
để xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới trong từng giai đoạn 2011 - 2015,
2016 - 2020. Các xã cũng cần lựa chọn các tiêu chí để ưu tiên thực hiện nhằm
giải quyết các vấn đề bức xúc về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,
hoàn thành sớm các tiêu chí có điều kiện thuận lợi để thực hiện.
Dự
kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án là khoảng 32.303 tỷ đồng. Trong đó, vốn
Trung ương đầu tư 100% cho công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm
xã; xây dựng trụ sở xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã;
xây dựng nhà văn hóa xã; đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ
xã, cán bộ khóm, ấp, cán bộ hợp tác xã; hỗ trợ một phần để đầu tư xây dựng công
trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư; đường giao thông thôn,
khóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; phát triển sản xuất và dịch
vụ; công trình thể thao khóm, ấp; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ
công nghiệp, thuỷ sản.
Ngân
sách địa phương cũng được huy động tối đa để tổ chức triển khai Chương trình.
HĐND tỉnh quy định tăng tỷ lệ nguồn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để
giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã để lại cho
ngân sách xã, ít nhất 70% nguồn thu để thực hiện các nội dung xây dựng nông
thôn mới.
Khơi
dậy tinh thần đoàn kết, ý thức vươn lên của người dân
Người
dân nông thôn đóng vai trò chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn ổn định
và phát triển bền vững. Ngoài phần đầu tư của Trung ương và địa phương, nhiệm
vụ xây dựng nông thôn mới cấp xã được thực hiện theo phương châm dựa vào nội
lực của cộng đồng là chính. Do vậy, việc khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức
vươn lên của người dân là hết sức cần thiết trong quá trình triển khai thực
hiện đề án.
Theo
đó, người dân tham gia đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, tham gia đầu
tư các công trình công ích như giao thông, thuỷ lợi,… tham gia các hoạt động y
tế, giáo dục, môi trường.
Thực
tế cho thấy, thời gian qua nhiếu địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt quy chế
dân chủ cơ sở, huy động sức đóng góp của dân để xây dựng các công trình phúc
lợi của địa phương.
“Dễ
trăm lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Những bài học
kinh nghiệm trong phát huy sức mạnh quần chúng ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh;
xã Long Thắng, Hòa Long, huyện Lai Vung v.v.
vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay. Điều quan trọng là các ngành,
địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ mục
tiêu chính của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Từ đó, từng người dân sẽ phát
huy tốt vai trò chủ động, tích cực trong thực hiện chương trình thông qua việc quyết
định các vấn đề quan trọng như công tác quy hoạch, xây dựng danh mục công trình,
kể cả việc góp vốn đầu tư.