Ðưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống
Qua bảy năm tham gia Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đoạt hàng chục giải, trong đó có cả các giải thưởng quốc tế. Việc triển khai, ứng dụng các công trình khoa học - công nghệ thật sự góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở địa phương này phát triển.
Phong trào sáng tạo khoa học - công nghệ cũng như việc
triển khai các kết quả nghiên cứu vào thực tế đời sống diễn ra ở khá nhiều cơ
quan, đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2006, công trình "Nghiên cứu
giải pháp công nghệ để xác định tham số phục vụ đánh giá trữ lượng và thiết kế
khai thác dầu khí trong đá móng nứt nẻ bằng phần mềm BASROC 3.0" của TS
Hoàng Văn Quý và cộng sự ở Xí nghiệp liên doanh VIETSOVPETRO đoạt giải nhất
VIFOTEC. Năm sau đó đề tài này được nhận huy chương vàng của Tổ chức Trí tuệ
thế giới (WIPO). Ðây là một công trình khoa học - công nghệ tổng hợp, bao hàm
cả nghiên cứu cơ bản, xây dựng và sử dụng công cụ để giải quyết các vấn đề mới
nảy sinh trong việc quy hoạch và điều chỉnh công tác khai thác mỏ đối với đá
móng nứt nẻ trên vùng biển nước ta. Ứng dụng phần mềm BASROC 3.0, việc thăm dò,
khảo sát và hoạch định các điểm cần đầu tư khai thác dầu trở nên chính xác hơn,
đem lại lợi nhuận cho đơn vị hàng trăm triệu USD. Ðáng chú ý là cụm công trình
gồm năm đề tài, giải pháp kỹ thuật đoạt các giải nhất, nhì, ba VIFOTEC vào các
năm 2004, 2005, 2007, 2008, 2009, của Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị
Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco), gồm các công trình: "Chế tạo cụm tời máy nạo
vét hệ thống cống ngầm thoát nước đô thị", "Nghiên cứu, thiết kế hệ
thống ngăn mùi và hố thu nước mưa kiểu mới tại các đô thị Việt Nam",
"Nghiên cứu vật liệu và công nghệ chế tạo bê-tông cốt thép thành mỏng đúc
sẵn ứng dụng cho hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh môi trường Việt
Nam"... Các công trình và giải pháp kỹ thuật do Busadco nghiên cứu và ứng
dụng đáp ứng nhu cầu có tính thời sự và lâu dài trong việc giải quyết thoát
nước, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường các khu vực đô thị ở Bà Rịa - Vũng Tàu
và một số địa phương khác trong cả nước. Theo Tổng Giám đốc Busadco Hoàng Ðức
Thảo, kể từ khi công ty được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp Giấy chứng nhận
là doanh nghiệp khoa học - công nghệ (năm 2009), đơn vị đã có hàng chục sản
phẩm có chất lượng phục vụ xây dựng các công trình dân dụng và bảo vệ môi trường.
Ðến nay, các công trình, giải pháp kỹ thuật của Busadco đã được triển khai,
nhân rộng ở 30 tỉnh, thành phố trong cả nước (có sản phẩm đã xuất khẩu sang
Ma-lai-xi-a); Busadco đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá là doanh nghiệp
khoa học - công nghệ thứ hai của cả nước và là doanh nghiệp duy nhất có doanh
thu từ sản phẩm khoa học - công nghệ đạt hơn 80%/năm.
Thực tế 16 năm tổ chức giải thưởng VIFOTEC, không ít công
trình đoạt giải của cả nước nói chung, trong đó có các công trình của tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu đã được triển khai, ứng dụng có hiệu quả; góp phần phát triển
sản xuất và kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên cũng còn khá nhiều đề tài, giải
pháp kỹ thuật đoạt giải nhưng khó áp dụng vào cuộc sống. Bên cạnh đó, nhiều
công trình được đánh giá có ý nghĩa khoa học và tính ứng dụng thực tế rộng
(đoạt giải cao) vẫn gặp hạn chế, khó khăn trong triển khai, nhân rộng. Nguyên
nhân chính là do tác giả, doanh nghiệp hoặc đơn vị có đề tài, giải pháp kỹ
thuật đoạt giải thiếu khả năng trong thông tin, quảng bá sản phẩm đến các đối
tượng cần áp dụng để có điều kiện đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống.
Ðiều đó đặt ra vấn đề Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, quan tâm hơn công
tác truyền thông về các công trình đoạt giải thưởng nhằm triển khai tích cực
hoạt động tiếp thị, giới thiệu các địa chỉ có thể chuyển giao công nghệ. Ðồng thời
có chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước, thay thế hàng
nhập khẩu tương tự vào nước ta. Ðối với các doanh nghiệp khoa học - công nghệ
như Busadco, hoạt động theo cơ chế Nghị định số 80 của Chính phủ, tuy bộ chủ
quản phối hợp các bộ, ngành liên quan đã có các văn bản hướng dẫn thực hiện
nhưng thiếu cụ thể và có sự chồng chéo nên việc thực hiện ở một số nơi còn lúng
túng. Nguồn vốn cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh
nghiệp khoa học - công nghệ chủ yếu phải vay ngân hàng, song lâu nay lãi suất
luôn ở mức cao. Trong khi đó, nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ là cả một
quá trình tìm tòi, thử nghiệm và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn. Bởi vậy, Nhà nước cần
có chính sách ưu đãi trong việc cho vay vốn đối với các doanh nghiệp làm khoa
học - công nghệ. Có như vậy mới khuyến khích sự sáng tạo và thúc đẩy việc ứng
dụng, triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học nói chung, và các công trình
đoạt giải thưởng nói riêng một cách có hiệu quả vào thực tế đời sống.